Làm nail, cuốn nem... khi trường đóng cửa
Lương giáo viên mầm non khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Trải qua 2 đợt dịch bùng lên khiến các trường càng thêm khó khăn. Thu nhập giảm sút, thậm chí mất việc, nhiều cô giáo phải làm thêm "nghề tay trái" để trang trải chi phí sinh hoạt. Cô Hoàng Thị Thương, giáo viên một trường mầm non tư thục ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, làm nem bán online từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Phụ huynh có con học ở lớp cô có lẽ là những thực khách đầu tiên ủng hộ sản phẩm. Cô Thương tâm sự: "Hiệu trưởng gọi điện cho chúng tôi, giọng buồn bã lắm, bảo như ngồi trên lửa vì cả 3 cơ sở đều thuê biệt thự, giá thuê nhà rất cao trong khi trường đóng cửa mấy tháng nay rồi. Hiệu trưởng nói sẽ cố gắng hỗ trợ mỗi cô một chút nhưng quả thật, cầm tiền của chị, chúng tôi không đành lòng. Chúng tôi cố gắng kiếm thêm việc để làm. Giáo viên mầm non khéo tay lắm nên kiểu gì cũng không đói được đâu".
"Trong những tháng dịch vừa qua, khi trường đóng cửa, các giáo viên phải xoay đủ nghề để kiếm sống, thậm chí nhiều cô phải chuyển sang bán hàng online, giúp việc theo giờ, bán đồ ăn vặt, nhận hàng làm gia công. Việc hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục có ý nghĩa rất lớn, không đơn thuần là khoản hỗ trợ để các cô ổn định cuộc sống mà còn là sự động viên tinh thần rất kịp thời".
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường mầm non tư thục H.S – Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội
Câu chuyện của cô giáo Thương chỉ là một trong số hàng chục nghìn giáo viên Hà Nội đang mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bán đồ ăn online chỉ là cách đắp đổi qua ngày nhưng không phải ai cũng có thể làm điều đó. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, tính riêng địa bàn Thủ đô có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có 358 cơ sở mầm non, 2.696 nhóm trẻ, với gần 45.000 người đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đề xuất hỗ trợ giáo viên mức 1,8 triệu đồng/tháng
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Chính phủ đã có Nghị quyết đồng ý sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về giảm điều kiện, mở rộng đối tượng để doanh nghiệp khó khăn, người lao động (trong đó có giáo viên tư thục) có thể tiếp cận gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.
"Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua tại Hà Nội, số giáo viên nghỉ hoàn toàn không lương ở các cấp có khoảng gần 17.000 người, riêng giáo viên mầm non là hơn 10.000 cô giáo. Ngoài ra, khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ dưới 50% lương và 14.000 người được hưởng 50% lương. Sở đã kiến nghị thành phố hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn phải thuê nhà, nuôi con nhỏ, sức khỏe yếu... Đồng thời, miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II năm 2020".
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết sẽ bổ sung hỗ trợ thêm nhóm giáo viên trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (chi hoạt động) mà bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên. Như vậy, có khoảng 145.000 giáo viên được thụ hưởng chính sách này với số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng.
Theo ước tính ban đầu của Bộ LĐ-TB&XH, thông qua rà soát, riêng số lượng giáo viên tư thục ở tất cả các cấp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là khoảng hơn 30.000 người. Trong số đó, giáo viên tư thục khối mầm non là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Giáo viên tư thục chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Nhóm đối tượng này sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ với mức hỗ trợ đề xuất là 1,8 triệu đồng/người/tháng; tùy mức độ ảnh hưởng, có thể được hỗ trợ từ 1 đến 3 tháng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, hỗ trợ trên giúp nhóm giáo viên mầm non tư thục khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vì đây là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề khi các trường tư không có nguồn thu trong mấy tháng nghỉ dịch. Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng trong thời điểm này, có thể giúp những người được hỗ trợ có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống. Các bậc học cao hơn như THCS, THPT, khối cao đẳng, đại học hay trường nghề, sinh viên nghỉ học không dài nên các trường vẫn có nguồn thu học phí, dạy học online.
Việc thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 27/7, các địa phương đã phê duyệt trên 16 triệu người, kinh phí 17,5 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 27/7 đã giải ngân xấp xỉ 12 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 12 triệu người thuộc đối tượng thụ hưởng và đã hỗ trợ cho 12.784 hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn