Giáo viên nhận định đề thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên: Khó có "mưa điểm 10"

14:33 | 10/08/2020;
3 môn thi Vật lý, Hóa học và Sinh học thuộc tổ hợp môn thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra sáng nay (10/8) được đánh giá là vừa sức, đồng thời vẫn đảm bảo được tính phân hóa cao.

Vật lý: Có tính phân loại cao

Thầy Phạm Quốc Toản - Giáo viên luyện thi môn Vật lý thuộc Tuyensinh247 - nhận định, đề thi năm nay không có gì bất ngờ với học sinh, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ đã ban hành.

Về mức độ, đề được xem là "dễ thở" với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với học sinh dùng môn Vật lý để xét tuyển Đại học (8 câu cuối).

Theo thầy Toản, học sinh học "khá cứng" và học giỏi thì làm đến câu 32 không quá khó khăn. Dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ tầm từ 5 đến 7 điểm nhưng điểm từ 8,5-9,5 sẽ ít, còn 10 tuyệt đối thì chắc chắn vẫn rất rất hạn chế.

Về tổng quan, đề gồm 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT, khoảng với 70% cơ bản và 30% mang tính phân loại. Câu hỏi trắc nghiệm định tính (Lý thuyết) chiếm khoảng 45%. Câu không còn "đánh đố" học sinh bởi sự khó khăn về toán học hay mất thời gian dài để giải.

Các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lý sâu sắc như: kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị về dao động cơ và dòng điện xoay chiều, câu hỏi thí nghiệm. Đặc biệt đề thi năm nay có câu liên quan đến cơ hệ rất thú vị (Câu 40 MĐ 222 Lò xo gắn với hệ vật vắt qua ròng rọc) và một câu rất ít xuất hiện liên quan đến công suất tức thời (Câu 39 - MĐ 222). Những câu khó mất khá nhiều thời gian để tư duy hiện tượng và giải.

"Học sinh cần chú ý hơn ở câu hỏi thông hiểu, đặc biệt là những câu trắc nghiệm định tính. Đôi khi đọc xong có cảm giác rất dễ nhưng có khi bị lừa về mặt bản chất Vật lý. Đến những câu này, thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ câu hỏi, không vội vàng trong việc chốt đáp án cuối cùng" - thầy Toản cho biết.

Giáo viên nhận định đề thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hà Nội. Ảnh: H.H

Hóa học: Câu hỏi không quá xa lạ với thí sinh

Thầy Phạm Thanh Tùng - giáo viên Hóa học trường THCS Ngôi Sao (Hà Nội) - nhận định, đề thi môn Hóa học năm nay khá phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi ở mức độ phân loại. Phổ điểm chủ yếu sẽ nằm ở mức 6,75-7,25 điểm.

Về nội dung, kiến thức tập trung chủ yếu ở chương trình 12 và có kết hợp với một số câu hỏi nằm trong chương trình 10, 11. Và đề đảm bảo không xuất hiện câu hỏi nằm trong chương trình tinh giảm của Bộ. Cụ thể:

- Đề thi có 36 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 90%); 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 10%) và không có câu nào thuộc kiến thức lớp 10.

- Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề: quen thuộc như este lipit, cacbohidrat, amin – aminoaxit -peptit, polime, đại cương kim loại, kim loại kiềm – kiềm thổ - nhôm, sắt,…

- Các câu ở mức vận dụng và vận dụng cao rơi vào các chuyên đề: este lipit và amin, aminoaxit.

"Theo tôi các câu hỏi không quá xa lạ với học sinh, một số câu hỏi kết hợp kiến thức tổng hợp hữu cơ và tổng hợp vô cơ. Đề thi có sự phân hóa ở 8 câu hỏi cuối và chia thành các cấp độ là thông hiểu, vận dụng cũng như vận dung cao" - thầy Tùng nhận định.

Sinh học: Khéo phân bổ thời gian làm bài mới đạt được điểm cao

Phần thi môn Sinh học được thầy Nguyễn Đức Hải - Giáo viên Sinh học trường THCS Ngôi Sao (Hà Nội) - phân tích khá kỹ. Theo thầy, đề có độ phân hóa học sinh, với học sinh có kiến thức cơ bản, có thể đạt từ 6 - 7 điểm, học sinh khá có thể đạt được mức điểm từ 7 - 8,5. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9 - 10, học sinh cần tính toán cẩn thận và phân bố thời gian hợp lí mới có thể hoàn thành 40 câu trong thời gian 50 phút.

Về cấu trúc, đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 (33 câu, chiếm 8,25 điểm), các câu hỏi thuộc lớp 11 đều ở mức nhận biết và thông hiểu. Tương tự các năm trước, các câu ở mức vận dụng và vận dụng cao rơi vào các chuyên đề như: Cơ chế di truyền và biến dị, các quy luật di truyền, di truyền quần thể, di truyền người (Phả hệ) và đều là các câu hỏi bài tập, đòi hỏi học sinh năm vững lí thuyết và vận dụng được trong giải bài tập cũng như có kĩ năng tính toán cẩn thận, chính xác.

Đặc biệt, đề thi có sự phân hóa mạnh từ câu 111 - 120 độ khó tăng lên đáng kể, phù hợp với xét tuyển vào các trường ĐH. "Với đề thi năm nay, học sinh dễ đạt được mức 7 - 7,5 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt khoảng 32 - 34 câu , để đạt điểm 9, 10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định sau khi thi môn Vật lí và Hóa học" - theo thầy Hải.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn