Giáo viên “rầm rầm” phản ứng khi Bộ cấm dạy ngoài sách giáo khoa

16:18 | 17/10/2017;
Quy định “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK)” do Bộ GD&ĐT ban hành mới đây gặp phản ứng của nhiều giáo viên khi cho rằng, quy định này không phù hợp, thậm chí đi ngược tư duy dạy học hiện đại.

Cấm là máy móc

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành năm học 2017-2018. Một trong những nội dung khiến nhiều giáo viên phản ứng nhất là yêu cầu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”.

Ông Trần Trọng Hà - chuyên viên cao cấp môn Địa lý - khi nghe đến quy định mới này tỏ ra rất bất ngờ. Ông cho rằng, cần làm rõ khái niệm “cấm”, cần phải hiểu như thế nào là “cấm dạy nội dung ngoài SGK”, hiểu như thế  nào là trong SGK và ngoài SGK?

day-hoc1.jpg
Việc cấm dạy nội dung ngoài SGK đang gây phản ứng trong giáo viên. Ảnh minh họa 

Theo ông, giáo viên có quyền mở rộng SGK, tức là bổ sung kiến thức ngoài SGK để nâng cao trình độ và hiểu biết của học sinh. Nếu cấm dạy ngoài SGK, điều này đồng nghĩa với việc giáo viên không có quyền mở rộng kiến thức ngoài việc dạy ở SGK. Nếu đúng như thế thì quy định này rất không phù hợp và máy móc.

“Ví dụ, khi dạy học sinh về khu gang thép Thái Nguyên mà nếu giáo viên không mở rộng cho học sinh hiểu là tại sao lại ở Thái Nguyên. Nếu các em không hiểu được là vì ở đó có mỏ sắt, là địa bàn đầu mối giao thông, là ở gần khu nhiệt điện… thì các em học để làm gì?”- ông Trần Trọng Hà đặt vấn đề.

Đồng tình với ý kiến này, cô giáo Dương Thu Huệ - giáo viên THPT Quốc học Huế - cho biết, tất cả kỳ thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn đề thi phần lớn có nội dung ở ngoài SGK, nếu cấm thì việc ra đề vào năm 2018 có thay đổi hay không?

“Thi là một chuyện, điều tôi muốn nói là Bộ GD&ĐT đang có tư duy hơi tiền hậu bất nhất khi đưa ra quy định này bởi lẽ, một mặt yêu cầu chương trình phổ thông mới đòi hỏi ở các em tư duy, vận dụng, sáng tạo, nhưng việc chỉ giới hạn nội dung trong SGK xem ra lại đi ngược với định hướng này!”- nữ giáo viên băn khoăn.

Theo cô Huệ, việc dạy một vấn đề hay một loại hình kiến thức muốn được học sinh tiếp nhận, nhất thiết phải có cách thức liên hệ, mở rộng vấn đề, khi đó SGK chỉ mang tính công cụ. “SGk đưa ra đầu bài, đưa ra nội dung kiến thức cần được tiếp cận, nhưng để hiểu được nội dung đó có chiều sâu đến đâu và làm cách nào để kích thích tư duy của học sinh, giáo viên còn phải lồng ghép rất nhiều kiến thức khác vào. Tiết học cũng nhờ đó mà sinh động và học sinh dễ nắm bắt kiến thức hơn”- cô Huệ cho biết.

SGK chỉ là công cụ, không phải “pháp lệnh”

Theo ông Trần Trọng Hà, có thể Bộ GD&ĐT có mục đích nào đó khi đưa ra quy định này, nhưng dù có mục đích gì, thậm chí là muốn giảm việc học kiến thức nặng nề thì đây không phải là cách phù hợp.

“Thực tế, môn Địa lý và tôi tin là nhiều môn học khác đều đang có tình trạng không phải nặng về kiến thức môn học mà đúng ra là nặng về chữ. Thay vì dạy học bằng nhiều kênh khác nhau như tiếng nói, hình ảnh, ta đơn thuần chỉ ngồn ngộn chữ, khiến việc dạy học rất mệt mỏi!”- ông nói.

Tư duy dạy học hiện đại theo ông Trần Trọng Hà chính là xem SGK chỉ là công cụ, từ đó giáo viên vận dụng các cách thức khác mang tính trực quan sinh động hơn để truyền tải. Một trong các kênh chính là hình ảnh.

“Nên hướng tới cách học bằng kênh hình ảnh là chính, SGK sẽ có câu hỏi dựa vào kênh hình để học sinh trả lời”- ông nhấn mạnh.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Hải (GV tiểu học ở TP Vinh, Nghệ An), nếu Bộ GD&ĐT vẫn muốn giữ nguyên quy định thì nhất thiết phải chuẩn hóa lại bộ SGK thay vì tiếp tục duy trì SGK hiện hành.

“Cùng với quy định này, Bộ nên có cam kết đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về kiến thức và kỹ năng cho học sinh từ bộ SGK này. Chưa kể phải đảm bảo cập nhật thông tin, đồng thời có thể truyền được cảm hứng cho các em khi chỉ đọc mỗi SGK là có thể học tốt”- cô Hải nhấn mạnh.

Nữ giáo viên còn cho rằng, nếu vẫn để quy định này, SGK đang trở thành tài liệu mang tính “pháp lệnh”, trong khi đó tinh thần học tập theo chương trình mới là một chương trình, nhiều bộ SGK, học sinh phát huy được năng lực, trí tuệ, sáng tạo…

“Nếu vậy thì quá là mâu thuẫn, đi ngược với cách dạy học hiện đại và đi ngược với chính định hướng mà Bộ đang hướng tới. Cần làm rõ quan điểm qua việc dùng câu từ, nếu không sẽ bị hiểu nhầm và dẫn đến khó khăn trong việc triển khai chương trình mới”- nữ giáo viên đề xuất.

Bộ GD&ĐT thừa nhận có gây hiểu lầm về quy định “cấm dạy nội dung  ngoài SGK”.

Chiều 17/10, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT thừa nhận, văn bản đã gây hiểu lầm với nhiều giáo viên, học sinh. Do SGK cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu trên nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bộ cũng yêu cầu “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu, nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong SGK. Tuy nhiên, việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng SGK để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ. Trong quá trình tập huấn triển khai thực hiện sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn