Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về thời gian hưởng chế độ khi sinh con, thì: “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng”.
Theo điểm a, Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì: Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Còn theo Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB (ban hành ngày 18/8/2017) của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hướng dẫn giải quyết chế độ thai sản của giáo viên trùng với thời gian nghỉ hè, thì:
Việc giải quyết chế độ thai sản đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thực hiện theo Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định hiện hành.
Khoản 7, Điều 6, Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.
Thời gian nghỉ hè, giáo viên được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục hướng dẫn giải quyết như sau: Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo Điều 111 và 112 BLLĐ hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm theo Điều 114 BLLĐ.
Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư 141/2011/TT-BTC.