Cô giáo Miên cho biết, từ vài năm nay, không dám cầm thước xuống dưới lớp. Ảnh minh họa |
Trước việc một số đồng nghiệp tại nhiều địa phương bị thôi việc khi có hình phạt khắt khe với học sinh, cô giáo Miên chia sẻ: “Với những giáo viên làm tổn thương, hành hạ học sinh quá mức cho phép, những người đó không thể tiếp tục theo ngành giáo dục là đúng. Bởi, sẽ có nhiều học sinh bị ảnh hưởng từ hành vi dã man của họ. Thế nhưng, không ít giáo viên rất tâm huyết với nghề, cống hiến bao nhiêu năm cho giáo dục, dạy dỗ bao thế hệ học trò, vậy mà trong một lúc nóng nảy, thiếu kiềm chế, họ có hình phạt hơi quá tay thì cũng bị đuổi khỏi ngành. Các ngành khác, người lao động khi vi phạm bị kỷ luật thì được sắp xếp công việc khác, sao giáo viên vi phạm không được sắp xếp công việc phù hợp trong ngành?”.
Đó không phải là tâm tư của riêng cô Miên mà của nhiều giáo viên khác. “Bởi, là giáo viên, họ cũng là con người, cũng có những lúc căng thẳng, mệt mỏi, ức chế, áp lực… Khi gặp một học sinh ương bướng, khó bảo, thậm chí hỗn láo, việc họ nóng nảy và khó kiềm chế cũng là điều dễ hiểu. Trong trường hợp này, giáo viên mà bị huyết áp cao thì thực sự rất nguy hiểm. Việc ngành giáo dục kỷ luật giáo viên có hành vi xâm phạm vào thân thể học sinh là đúng. Tuy nhiên, cần xem xét trong từng hoàn cảnh để có những biện pháp kỷ luật phù hợp”.
Đạo đức học sinh xuống cấp, có học sinh còn ngang nhiên đánh lại thầy cô. Ảnh minh họa |
Cũng theo cô Miên, vì quy định ấy mà giáo viên nào cũng “nơm nớp” bị kỷ luật, cho thôi việc. “Mấy năm nay tôi không dám cầm thước xuống dưới lớp, chỉ để thước ở trên bàn. Có lúc nóng lên, quật cái thước vào mông học sinh thì phụ huynh cũng đến trường làm ầm ĩ. Tốt hơn là cứ tránh xa cái thước, “bảo toàn” công việc của mình”.
Chính vì nỗi lo ấy mà giáo viên bây giờ không thể răn đe học sinh, khiến học sinh ngày càng “lộng hành” khi biết cái quyền rất to của mình. “Học sinh bây giờ không như trước đây, có em hỗn hào, nói thẳng vào mặt giáo viên nếu không vừa ý. Có những đứa trẻ lớp 5 đã xì lốp xe của giáo viên và nói: "Ghét thì làm cho bõ ghét".
"Nhiệt huyết của giáo viên cũng vì thế mà giảm, bởi với chúng tôi, sát sao, lo lắng cho học sinh có khi lại phải chịu hậu quả nặng nề", cô Miên chia sẻ.