Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), kể: "Tối nào cũng phải ngồi lên phương án cho ngày hôm sau. Vì tình hình ngày hôm trước đã khác ngày hôm sau rồi nên kế hoạch dài từ trước đều phải tính lại theo ngày dựa trên tình hình giáo viên, học sinh F0 của trường".
Trường THCS Chu Văn An xác định những lớp học còn dưới 10 học sinh đến trường thì sẽ chuyển toàn bộ sang học online. Như vậy những lớp có trên 10 học sinh đến được lớp, chỉ bằng 1/4 sĩ số thì vẫn phải duy trì hai phương thức "on - off" (trực tuyến - trực tiếp).
Một phó hiệu trưởng trường THCS khác ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bày tỏ tâm trạng "quay như chong chóng, nhiều khi phải "cân não" vì tính toán với đủ tình huống. Một bên là giáo viên F0, F1, giáo viên đủ điều kiện dạy trực tiếp là bao nhiêu. Một bên là số học sinh có thể đến trường và không thể đến trường là bao nhiêu để đưa ra phương án. "Phương án xây dựng theo ngày mà nhiều khi vẫn đổ bể. Khổ nhất là tình trạng rập rình "on-off" hoặc "vừa on, vừa off".
Theo vị phó hiệu trưởng này thì bậc THCS có khó khăn hơn tiểu học, 13 môn học thì có 13 giáo viên. Vì thế với giáo viên này có thể bố trí dạy trực tiếp được thì giáo viên khác không được (vì là F0, F1). Nên học sinh nhiều khi phải đến trường để học gián tiếp (qua kết nối trực tuyến). Nhiều lớp học phải chia nhóm on, nhóm off do có những học sinh là F0, F1.
"Ban đầu trường tính toán mỗi khối có 1-2 lớp trực tuyến. Những học sinh nào có F sẽ chuyển sang học tạm lớp đó. Giáo viên F0, F1 được giao "dạy on". Nhưng thực tế diễn ra phức tạp hơn. Cách sắp xếp đó không có đủ giáo viên đáp ứng. Chưa kể số học sinh, giáo viên là F0, F1 tăng theo ngày nên đành tùy cơ ứng biến, cầm cự cho đến khi chịu không nổi thì đành xin quay lại thời "dạy on" 100%", vị hiệu trưởng cho biết.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, giáo viên trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết tính cả số giáo viên F0, F1 thì trường đang có trên 40 người. Trong 2 tuần cầm cự, trường này cũng thực hiện đủ các hình thức: Lớp "2 trong 1" ( giáo viên dạy trên lớp đồng thời kết nối cho một nhóm học sinh ở nhà nghe giảng), hoặc 3 trong 1 (giáo viên là F0 phải cách ly dạy cho 2 nhóm học sinh ở trường và ở nhà học sinh). Số lớp dạy hoàn toàn trực tuyến mỗi ngày một thu hẹp, trường đang có trên 20 lớp đã phải chuyển sang học online hoàn toàn, với khoảng 1.000 học sinh là F0, F1.
Một số trường công lập tự chủ và ngoài công lập, việc sắp xếp chủ động hơn vì không chịu áp lực chỉ đạo "cho học sinh đến trường" như nhiều trường công lập nhưng cũng vẫn phải xử trí tình huống thay đổi từng ngày.
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) sau khi cho học sinh đi học trở lại và số ca F0 bắt đầu tăng, trường này đã quyết định cho học sinh chuyển sang học trực tuyến 100% để "bảo toàn lực lượng" cho đợt thi giữa kỳ tại trường diễn ra đầu tháng 3 theo hình thức trực tiếp tại trường.
"Nếu học sinh cứ duy trì cả on- off thì số học sinh mắc COVID-19 sẽ tăng cao. Khi đó vẫn phải chuyển sang học trực tuyến và thi đánh giá giữa kỳ cũng trực tuyến. Việc chuyển học sinh sang học trực tuyến 1 tuần giúp cho các ca nhiễm giảm bớt. Những học sinh đủ điều kiện có thể trở lại trường để làm bài thi giữa kỳ trong 3 ngày. Việc đánh giá giữa kỳ tại lớp đảm bảo duy trì chất lượng hơn"- một giáo viên trường này chia sẻ.
Nhưng để thực hiện được tính toán này, lãnh đạo trường phải có nhiều động tác để xin hợp thức hóa về quy định, dựa trên khảo sát thực tế về tình trạng học sinh, giáo viên nhiễm, ý kiến học sinh toàn trường, ý kiến của cơ quan y tế được trường mời tham vấn….
Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) sau khi có trên 50% số giáo viên ở 2 cơ sở và trên 1.000 học sinh nhiễm COVID-19 đã quyết định chuyển toàn bộ các lớp về học trực tuyến.
Tương tự, trường Marie Curie (Hà Nội) chọn giải pháp nếu lớp có trên 50% số học sinh trong diện F0, F1 thì chuyển học online. Trường hợp giáo viên là F0 thì chọn giáo viên cùng bộ môn thay thế. Nếu không bố trí được thì có thể đảo lịch học để giáo viên môn khác dạy thay thế trực tiếp… Tuy nhiên theo thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng nhà trường, những kế hoạch như thế này cũng không tính dài được mà tùy theo biến động của dịch để xử lý.
Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cũng có 50% số giáo viên ở 2 cơ sở nhiễm COVID-19 và trên 1.000 học sinh là F0. Tuy chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến 100%, nhưng giáo viên nhiễm dịch đều phải nghỉ dạy.
Theo thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, trường cũng đang có gần 10 thầy, cô nhiễm COVID-19 và con số này có thể chưa dừng lại. "Tất cả giáo viên F0 đều vẫn dạy online bình thường, mặc dù lẽ ra họ cần được nghỉ ngơi. Biết như thế này là không hay nhưng giáo viên F0 nghỉ dạy thì không có người thay thế".
"Thầy cô đợi được các em học online vào lớp, nhìn được hình, nghe được âm thanh thì học sinh học trực tiếp lại phải ngồi đợi rất mất thời gian. Chưa kể, hầu hết các trường học hiện nay đường truyền mạng chưa thể đảm bảo cho việc học on – off linh hoạt. Có những lúc, wifi của trường không thể tải nổi do có quá nhiều thiết bị cùng truy cập một lúc, làm gián đoạn việc học của cả 2 phía. Do đó, nguyện vọng chung của giáo viên và phụ huynh là nếu đã học online thì sẽ học online toàn bộ để phụ huynh, học sinh xác định rõ, ổn định trong việc học tập. Vậy nên trường Lương Thế Vinh đã mạnh dạn thích ứng linh hoạt chuyển sang hình thức học trực tuyến 100%".
Bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội
Một số trường ở Hà Nội ban đầu bố trí mỗi khối có 1-3 lớp học trực tuyến để dồn học sinh F0, F1 vào các lớp này, những học sinh còn lại học trực tiếp nhưng khi số giáo viên nhiễm COVID-19 lên mức 2 con số thì kế hoạch dạy học phải thay đổi vì thiếu giáo viên. Mỗi giáo viên sẽ phải kiêm nhiệm cả trực tiếp và trực tuyến với nhiều ca trong ngày.
Hải Phòng có hơn 1.200 giáo viên là F0 và nhiều giáo viên F1. Theo nhiều hiệu trưởng thì giáo viên F0, F1 vẫn phải dạy.
"Tôi đề nghị giáo viên khỏe đỡ giáo viên F0, người là F0 mệt ít đỡ người mệt nhiều hoặc nếu cần điều chỉnh thời khóa biểu để giáo viên là F0 tránh phải dạy vào ngày mệt nặng. Trước mắt chỉ có cách đó thôi vì giáo viên nhiễm nhiều quá, chúng tôi không biết xoay xở cách nào khi vẫn phải tổ chức dạy học cả trực tiếp và trực tuyến", một hiệu trưởng trường THPT ở Hải Phòng cho biết.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, do có quá nhiều học sinh nhiễm COVID-19 nên tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp hiện giảm mạnh từ trên 90% xuống 75,4% ở bậc THPT và 77,2% ở bậc THCS. Nhưng các trường vẫn phải song song duy trì cả dạy học trực tiếp và trực tuyến vì thế giáo viên không giảm số tiết, công việc vất vả hơn khi phải thực hiện cùng lúc nhiều phương thức dạy học, nhiều ca dạy học/ngày. Tình trạng này kéo dài, nhất là khi số giáo viên nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng thì các trường có thể vẫn phải duy trì việc dạy học như hiện nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn