Giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp khi cho trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng

16:04 | 05/04/2018;
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà (trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) cho rằng, trẻ bị phạt uống nước giặt giẻ lau bảng sẽ chịu những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là về mặt tinh thần. Bản thân giáo viên áp dụng cách phạt này là điều khó lòng chấp nhận được.

Hệ lụy về phát triển nhân cách trẻ

Chia sẻ với PNVN về vụ việc đau lòng đang khiến dư luận bức xúc - giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng nhiều lần, chỉ vì nói chuyện riêng trong giờ học, ThS Vũ Thu Hà cho rằng, bản thân em học sinh bị phạt ở trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) cần được nhanh chóng hỗ trợ về sức khỏe và tinh thần.

Theo bà, uống phải nước bẩn và độc hại, học sinh có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hô hấp và sự phát triển, nhất là đang ở lứa tuổi tiểu học. Nhưng đáng lo ngại hơn chính là sự ảnh hưởng về mặt tinh thần của trẻ.

vu-thu-ha.png
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà nêu quan điểm về vụ việc học sinh bị ép uống nước giặt giẻ lau

“Bị phạt theo kiểu này sẽ khiến trẻ sợ hãi, dần dần căm ghét cô giáo làm cho việc đi học trở thành áp lực, ám ảnh. Những hình thức phạt gây ám ảnh tâm lý ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách của trẻ về sau”- ThS Vũ Thu Hà nhìn nhận.

Bà Vũ Thu Hà cho rằng, cô giáo áp dụng cách phạt này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo. Bởi khi giáo dục nhân cách của trẻ thì nhân cách của cô giáo phải cân bằng: Có sự công minh, bao dung, có các kỹ năng hướng dẫn, hỗ trợ khi học sinh mắc lỗi.

“Cũng là một giáo viên nên tôi thấy hình thức phạt kiểu này quá tiêu cực, khó lòng chấp nhận nổi! Lấy lý do là do gặp chuyện bức xúc gia đình, tức là lấy tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến công việc và các học trò thì lại càng khó chấp nhận, có vấn đề nghiêm trọng về mặt đạo đức nghề nghiệp!” - Ths Vũ Thu Hà cho biết.

Trừng phạt giáo viên chỉ là giải pháp tạm thời

Câu chuyện giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp liên tục diễn ra, và mỗi lần có vụ việc xảy ra, dư luận lại nổi sóng. Đây là điều khiến một người làm trong ngành giáo dục lâu năm như ThS Vũ Thu Hà cảm thấy lo lắng. Học sinh bị ảnh hưởng, và chính người làm nghề dạy học cũng đang cảm thấy hoang mang.

Đã đến lúc ngành giáo dục phải có cách triển khai đồng bộ về khía cạnh quản lý đối với giáo viên. Không thể cứ mỗi vụ xảy ra là dư luận lại rộ lên trào lưu để tẩy chay, trừng phạt giáo viên thích đáng… Bởi đây chỉ là giải pháp tạm thời, và làm theo cách này thì mãi mãi không làm được đến cùng, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Chính các thầy cô sẽ rất hoang mang, không biết mình nên làm thế nào cho đúng. Và cứ thế mỗi người làm một kiểu, mỗi giáo viên lại làm tổn thương trẻ theo các cách khác nhau.

“Theo tôi, bộ, sở giáo dục cần cân nhắc đến việc sử dụng các chương trình kỷ luật tích cực trong trường học và nội dung về những đặc trưng tâm lý lứa tuổi của học sinh cho giáo viên - cách hỗ trợ giáo viên có công cụ để làm việc tích cực với trẻ, không sử dụng các hình thức bạo lực, khắt khe với trẻ. Đó là điều đang rất cấp thiết phải làm. Trong trường hợp đã cung cấp những nền tảng này rồi mà giáo viên vẫn vi phạm, mắc lỗi thì đó chính là vấn đề của họ” - bà Hà nhấn mạnh.

Cách mà dư luận lên án, tẩy chay, trừng phạt… giáo viên với nhiều vụ việc đau lòng xảy ra vừa qua, theo bà là nếu không làm đến cùng và giải quyết được gốc rễ vấn đề thì chính các giáo viên sẽ trở nên bàng quan do sợ hãi, do sợ ảnh hưởng đến công việc.

“Tự họ thu mình lại, e dè hơn, không quan tâm đến việc học sinh sẽ nghĩ gì, như thế nào, chỉ dạy hết tiết học rồi về. Khi ấy, sự bàng quan của giáo viên mới thật sự là điều đáng sợ, và con trẻ của chúng ta sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nữa!” - bà Hà nêu quan điểm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn