Lá Xanh được chị Vũ Ánh (sinh năm 1986) thành lập khi chị nhận ra ý nghĩa việc "chữa lành" từ thủ công và mong muốn lan toả điều này đến tất cả những ai đang có niềm yêu thích may vá mà chưa có điều kiện để thực hiện.
Không gian Lá Xanh là những góc may vá với các thiết bị cần thiết như máy may, que đan, móc len và các loại vải... Lá Xanh tổ chức những buổi làm thủ công như may vá, học đan, móc len và thêu. Đây cũng là nơi kết hợp tổ chức những buổi trao đổi, thực hành với những người làm thủ công khác như làm sổ, thú bông, ghép áp vải…
Sau khoảng 3 tháng đi vào hoạt động, chị Vũ Ánh đã triển khai lớp "Gieo hạt trạm tái chế", đây là một dự án kết hợp niềm yêu thích may vá với tái chế quần áo cũ nhằm giải quyết nguồn rác thải từ thời trang.
Đến với lớp "Gieo hạt trạm tái chế" (14 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 0978.175.486) học viên tự mang đồ đến lớp và được hướng dẫn miễn phí. Ở đó, học viên được hướng dẫn sử dụng máy may, giúp người tham gia nắm được kỹ thuật may cơ bản, quy trình làm một sản phẩm từ đó tự thiết kế được những mẫu sản phẩm đơn giản theo ý muốn.
Với các sản phẩm được hướng dẫn trong khóa học, người tham gia có thể bắt đầu tự điều hành một "trạm tái chế" của riêng mình, vừa thỏa mãn đam mê may vá, vừa có thể tạo nguồn thu nhập mới từ "rác thải" quần áo cũ.
"Sau khóa học, Lá Xanh sẽ hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và kết nối các điểm trạm tái chế của học viên tại các khu vực. Hy vọng chúng ta sẽ có một cộng đồng yêu may vá, yêu tái chế, tái sử dụng quần áo cũ và lan tỏa lối sống xanh", chị Vũ Ánh cho biết.
Nhờ những hoạt động thiết thực, mang lại giá trị cả về vật chất, tinh thần và niềm đam mê bảo vệ môi trường sống, trạm Lá Xanh nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng sống xanh, tham gia các hội chợ xanh, kết nối thêm nhiều bạn bè cùng định hướng.
Tuy nhiên, theo chị Vũ Ánh, công việc tái chế cũng có những khó khăn nhất định như việc định giá đầu ra cho sản phẩm. Vì thời gian làm ra một sản phẩm tái chế khá lâu, giá sản xuất cao thì khó cạnh tranh trên thị trường, trong khi các sản phẩm may mới mẫu mã đa dạng và giá rẻ hơn. Nhu cầu sử dụng đồ tái chế tái sử dụng còn rất thấp, nguồn nhân lực không nhiều bởi không phải ai học cũng muốn làm tái chế.
Kiên trì đi theo con đường đã chọn, Lá Xanh vẫn tiếp tục dự án "Gieo hạt trạm tái chế" và làm cầu nối giữa các trạm để cùng nhau lan tỏa thông điệp giảm rác thải thời trang ngay tại chỗ - ngay trong chính từng gia đình.
Một số chương trình Lá Xanh tổ chức gần đây đã thu hút nhiều em nhỏ và phụ huynh với các hoạt động như khâu tay bóng dạ lông cừu, tết vòng tay cho bé, mẹ may balo vải rút dây cho bé. Tại hoạt động, các thành viên của Lá Xanh sẽ hướng dẫn phụ huynh sử dụng máy may, hướng dẫn từng bước may, rồi biến tấu sáng tạo và cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm mang về.
Ngoài tổ chức workshop may vá, Lá Xanh cũng đang hướng tới những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Ví dụ dự án tái chế quần áo cũ thành túi đi chợ, đi siêu thị, tạp dề, lót ly… nhằm truyền cảm hứng sống xanh trong cộng đồng.
"Đây là những sản phẩm không quá phức tạp, chỉ sau một vài buổi học là các học viên có thể làm được. Dù đây là hành động nhỏ nhưng có thể lan tỏa và phát triển mạnh mẽ, nó sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho thế hệ tương lai về việc bảo vệ môi trường", chị Vũ Ánh cho biết.
Trong tương lai, Lá Xanh hy vọng sẽ có thêm gian hàng giới thiệu sản phẩm của học viên. Mục đích lan toả đam mê và hướng tới làm sao để các học viên sống được bằng đam mê đó. Từ đó ổn định cân bằng đời sống tinh thần và vật chất, cùng nhau cống hiến các giá trị khác cho cộng đồng, cho môi trường và trái đất thêm xanh hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn