"Đôi bàn tay mẹ"
Năm 2015 chị Thuần quay lại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không chỉ là bệnh nhân mà còn là tình nguyện viên. Chị bắt đầu vào chơi với các bạn nhỏ trong khoa Bệnh máu trẻ em đều đặn hàng tuần.
Chị Thuần là một trong hai người sáng lập "Mạng lưới vì trẻ em ung thư" cùng với sự hỗ trợ, cố vấn của các bác sĩ trong Viện, các chị ở Trường Y tế Công cộng… và khoảng 45 tình nguyện viên hỗ trợ, đồng hành cùng dự án.
"Mạng lưới vì trẻ em ung thư" hoạt động từ tháng 4/2021. Sau khi Mạng lưới có tư cách pháp nhân, ngoài duy trì hoạt động hàng tuần với các bạn nhỏ, chị Thuần còn tạo việc làm cho mẹ của các bệnh nhi ung thư bằng nghề thêu.
Năm 2019, dự án "Đôi bàn tay mẹ" bắt đầu dạy thêu cho các mẹ với mong muốn giúp họ giải tỏa tâm lý trong thời gian chữa trị cho con.
Ban đầu, dự án có mời nghệ nhân ở Nam Định lên dạy cho các mẹ nhưng do kỹ thuật cao, phải một khoảng thời gian dài từ 3 - 6 tháng thậm chí 1 năm mới có thể làm nghề được, điều đó làm các chị nhanh nản.
Chị Thuần chia sẻ, dự án "Đôi bàn tay mẹ" ban đầu làm khảo sát được nhiều người đăng ký nhưng khi tham gia học chỉ có khoảng 20-30 người. Nhiều người không tự tin vào khả năng thêu và sự khéo léo của bản thân, chị Thuần phải thuyết phục họ. Đến năm 2021, chị Thuần tự học thêu ở trên mạng và dạy thêu cho các mẹ những kỹ thuật đơn giản để tạo ra sản phẩm một cách nhanh nhất, sau 1- 2 buổi học, họ sẽ làm được và có thu nhập.
Từ những thành viên đầu tham gia cho kết quả, những người khác thấy hiệu quả và từ đó có nhiều người tham gia hơn. Qua đó tạo việc làm từ nghề thêu cho các phụ huynh trong viện.
Chị Thuần nói: "Mọi người tích cực học và tham gia, thu nhập phụ thuộc vào sự chăm chỉ và khéo léo của từng người, thu nhập có thể lên đến 200 nghìn đồng/người/ngày, có những người chỉ được 50 nghìn đồng/ngày nhưng dù là bao nhiêu các chị cũng rất vui. Mọi người không quá đặt nặng vấn đề tài chính từ phía chương trình cũng như từ phía Viện".
Họ thêu những mẫu đơn giản với kỹ thuật đơn giản, sau đó bắt đầu bán sản phẩm và việc làm cũng đều đặn hơn cho các chị em. Khi thêu, các chị tập trung vào từng đường kim mũi chỉ, bớt đi những lo lắng về bệnh tật của con cũng như vấn đề tài chính của gia đình.
Sản phẩm chủ yếu là sổ bằng vải thêu, khăn quàng, khẩu trang thêu. Đầu ra được bán online qua Fanpage Mạng lưới vì trẻ em ung thư, facebook cá nhân của chị Thuần. Sau một thời gian có Tiệm tạp hóa nhà may cho ký gửi miễn phí tại cửa hàng và dự định ký gửi ở một số cửa hàng nữa.
Nối tiếp những dự án yêu thương
Lợi nhuận từ dự án "Đôi bàn tay mẹ" được trích ra cho dự án học bổng "Em ước mong sao". Chương trình hướng tới đối tượng là các em học sinh có cha mẹ mắc ung thư. Năm 2021, quỹ học bổng được trích từ bán sổ thêu và được mọi người hỗ trợ với số tiền là 50 triệu đồng, tặng học bổng cho 10 em, mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng. Năm 2022, tiếp tục trao học bổng 60 triệu đồng cho 12 em.
"Giá trị học bổng không lớn nhưng mang tính chất khích lệ tinh thần, các bạn không đơn độc mà được mọi người hỗ trợ để vượt qua khó khăn", chị Thuần chia sẻ.
Nhiều bạn phấn đấu 2 năm liên tiếp giành học bổng của chương trình. Năm 2021, có 3 học sinh lớp 12 chuyên Phan Bội Châu giành học bổng và thi đỗ vào Đại học Bách khoa, Học viện Tài chính và Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhiều bạn học sinh trở nên mạnh dạn, vui vẻ và cố gắng hơn trong học tập sau khi nhận được học bổng của chương trình.
"Mạng lưới vì trẻ em ung thư" còn xây dựng dự án "Trạm tóc ước mơ", qua đó nhận tóc hiến của cộng đồng và hình thành nên những bộ tóc giả làm từ tóc thật dành tặng cho các em bé tại các trung tâm ung bướu trên cả nước.. Gần 800 bộ tóc được hiến và hơn 70 bộ tóc đã đến tay những bệnh nhân ung thư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn