Bước vào năm học mới 2024-2025, em Lữ Thị Bích Hợp (SN 2011), ở Tổ 3, thị trấn Thạch Giám (huyện Tương Dương), đã nhận được món quà ý nghĩa. Đó là chiếc xe đạp - món quà của một tổ chức từ thiện do "Mẹ đỡ đầu" là Hội LHPN thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, kêu gọi.
Không chỉ có Hợp được tặng quà, 2 người em gái Hợp là Lữ Thị Bích Thảo (SN 2015) và Lữ Bích Ngọc (SN 2017) cũng được các "Mẹ đỡ đầu" là Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Tương Dương hỗ trợ một phần vật chất để các cháu mua thêm sách, cặp và nhiều đồ dùng học tập mới.
"Năm nay cháu lên lớp 8, nhà ở khá xa trường nhưng từ trước đến giờ, cháu và các em đều phải đi bộ. Bà đã già, chẳng có ai đưa đón nên cháu và các em thường phải đi học từ rất sớm. Bước vào năm học mới, cháu được tặng chiếc xe đạp, những ngày qua cháu rất vui. Có xe đạp, cháu và các em cũng đỡ vất vả hơn", Bích Hợp vui mừng chia sẻ.
Hoàn cảnh của cháu Hợp và các em của cháu rất đáng thương. Mẹ các cháu mắc bệnh hiểm nghèo và mất khi bé Ngọc chưa đầy 1 tuổi. Sau khi mẹ mất, bố cũng bỏ đi biền biềt và nhiều năm nay chẳng quay về. 3 đứa trẻ côi cút được bà nội Lê Thị Luân (năm nay đã 76 tuổi) nuôi nấng.
"Chồng tôi mất từ khi các con còn nhỏ, mình tôi nuôi 2 con khôn lớn. Con gái đi lấy chồng xa. Con trai (bố của Hợp, Tháo và Ngọc) bỏ đi làm ăn xa sau khi vợ mất và biền biệt từ đó. Tôi không có việc làm, tuổi đã cao, ai thuê gì làm nấy để có tiền nuôi 3 đứa cháu nhỏ dại. Nếu các cháu không nhận được sự đỡ đầu, chắc chắn giờ đã phải bỏ học", bà Luân nghẹn ngào nói.
Xét thấy hoàn cảnh quá đáng thương của 3 cháu, năm 2023, Hội LHPN thị trấn Thạch Giám, Ban CHQS huyện Tương Dương nhận đỡ đầu 3 cháu nhỏ. Mỗi tháng các cháu được hỗ trợ 500 nghìn đồng. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết hay đầu năm học mới, "Mẹ đỡ đầu" thường tổ chức gây quỹ, kêu gọi các nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm cho các cháu. Kể từ khi trở thành "con nuôi", Hợp và 2 em của mình không còn lo phải bỏ học giữa chừng.
Cũng giống như chị em Hợp, bước vào năm học mới, em Xeo Văn Tuấn - cậu bé người dân tộc Khơ Mú - đã nhận được nhiều quà như sách, bút, quần áo, dày dép, cặp… từ "mẹ nuôi" là Hội LHPN xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Đây đã là năm thứ 2, Tuấn được các mẹ nuôi chăm lo đầy đủ để em được đến trường đi học như các bạn cùng trang lứa.
Bố mẹ Tuấn đều mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi con rất trẻ, Tuấn trở thành đứa trẻ mồ côi. Mất cả bố lẫn mẹ, anh trai trở thành điểm tựa duy nhất của Tuấn. Thế nhưng, anh trai của cháu cũng rất khó khăn khi không có việc làm ổn định, đến việc nuôi bản thân còn khó nói gì chăm lo cho đứa em còn nhỏ dại. May mắn, năm 2023 Tuấn được Hội LHPN xã Nhôn Mai nhận đỡ đầu và em đã không phải bỏ học sớm như nhiều người đã lo lắng.
Chị Lô Thị Hương - Chủ tịch HLHPN xã Nhôn Mai - cho biết: "Hoàn cảnh của cháu Tuấn rất đáng thương. Mặc dù Nhôn Mai là xã nghèo và rất khó để kêu gọi các tấm lòng hảo tâm nhưng chúng tôi vẫn sẽ hỗ trợ tối đa cho cháu. Trước năm học mới, chúng tôi đã tổ chức "Chương trình bán hàng gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi nâng bước em tới trường". Chương trình đã thu về được 3 triệu đồng, giúp Tuấn và nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác có được những món quà nhỏ, động viên tinh thần các cháu trước thềm năm học mới".
Cũng theo chị Hương, đã có 6 cháu nhỏ mồ côi trên địa bàn xã được các tổ chức, đoàn thể nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, ở xã Nhôn Mai hiện vẫn còn 15 cháu cũng có hoàn cảnh rất khó khăn cần được giúp đỡ. Trước mắt, khi các cháu chưa được nhận đỡ đầu, Hội LHPN xã sẽ hỗ trợ, giúp đỡ các cháu trong khả năng tốt nhất có thể với mục tiêu không vì hoàn cảnh khó khăn mà các cháu phải bỏ học.
Ông Lữ Ngọc Tinh - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai - cho biết: Nhôn Mai là một trong những xã còn rất nhiều khó khăn. Trên địa bàn có 3 dân tộc sinh sống là Thái, Khơ Mú và Mông. Xã có 12 bản với 865 hộ dân, hộ nghèo chiếm đến 449 hộ, cận nghèo 198 hộ.
"Bản Huồi Măn là bản người Mông xa nhất, đi bộ phải hơn 3 tiếng mới ra đến trung tâm xã. Ngoài ra có 2 bản Phia Òi và bản Piêng Luống phải qua sông, qua suối, mưa lũ phải đi thuyền. Muốn đi ra trung tâm xã cũng phải 30-40 phút. Đất đai sản xuất trên địa bàn cũng rất ít, chăn nuôi trâu bò là thế mạnh nhưng mấy năm gần đây giá thấp nên người dân gặp khó khăn. Hiện 5/12 bản chưa có sóng điện thoại", ông Tinh cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, điều tích cực nhất ở xã nghèo này là trẻ đến tuổi đi học đều đến trường, tình trạng bỏ học rất ít. "Những trường hợp đặc biệt khó khăn đã có Chương trình "Mẹ đỡ đầu" giúp đỡ. Đây là chương trình rất ý nghĩa nên khi Hội LHPN chủ trì triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy và các cơ quan đóng trên địa bàn rất ủng hộ. "Mẹ đỡ đầu" thật sự là điểm tựa trong hành trình khôn lớn, trưởng thành và hơn hết là góp phần giúp đỡ các con có hoàn cảnh khó khăn viết tiếp những ước mơ", ông Tinh chia sẻ thêm.
Bà Nông Thị Kim Tuyến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương - cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số trẻ trên địa bàn huyện đã được nhận đỡ đầu là 185/258 cháu (đạt 71,70%). Còn 73 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn chưa được nhận đỡ đầu. Mới đây, Hội LHPN đã kết nối thêm được 3 đơn vị nhận 3 cháu trong số này.
Trường Trung học PTDT Bán trú THCS Xá Lượng thăm hỏi, tặng quà cho con nuôi Cụt Thành Phấn tại xã Xá Lượng.
Để chương trình "Mẹ đỡ đầu" tiếp tục lan tỏa và hoạt động hiệu quả, bà Tuyến cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp ngành, kết nối với các nhà hảo tâm để có nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ, chăm sóc các trẻ mồ côi khó khăn.
Ngoài ra, các cấp Hội LHPN ở Tương Dương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của Chương trình "Mẹ đỡ đầu" để lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia của toàn xã hội; làm tốt vai trò vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân, phối hợp với các ban, ngành, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em thuộc đối tượng nhận đỡ đầu. Tất cả vì tương lai tươi sáng của những trẻ em thiệt thòi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn