Gieo yêu thương nơi đỉnh trời Giang Ly

21:06 | 23/03/2024;
Đường vào Trường tiểu học Giang Ly cách thị trấn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) khoảng 15km. Đây là điểm trường có 100% học sinh người dân tộc thiểu số. Các em hầu hết đều thuộc gia đình hộ nghèo.

Tiếp thêm động lực cho trẻ em vùng cao

Theo chân các chiến sĩ, cán bộ Công an Khánh Hoà, chúng tôi có dịp đến Trường tiểu học Giang Ly (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà) nằm giữa chốn bạt ngàn núi rừng trong một buổi sáng khi tiết trời còn mang không khí hơi se lạnh.

Ngay từ sáng sớm, tại sân trường đã có rất đông học sinh và những người dân trong vùng. Những em học sinh với gương mặt hồn nhiên, nụ cười tươi rói đang háo hức chờ đón đoàn công tác đến thăm, tặng quà.

Học sinh Cà Thị Ngọc Xuân, lớp 2, Trường tiểu học Giang Ly, người T'rin (một nhóm thuộc dân tộc K'Ho) không giấu được niềm vui khi được nhận giỏ quà xinh xắn. Xuân là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong một lần lên rẫy ba em bị gãy chân không thể tiếp tục làm việc nặng, nên mọi gánh nặng lo toan đều đổ dồn về phía mẹ em. Thu nhập của gia đình đều phụ thuộc vào việc làm thuê, mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 30 đến 40 nghìn đồng. Khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ Xuân từ bỏ ước mơ được đi học.

"Em háo hức với buổi gặp gỡ hôm nay đến mức không ngủ được. Em rất vui khi được nhận món quà này, em cảm ơn và xin hứa sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với sự quan tâm của mọi người", Xuân bày tỏ.

Gieo yêu thương nơi đỉnh trời Giang Ly- Ảnh 1.

Cán bộ Công an Khánh Hoà chia sẻ yêu thương với các em học sinh dân tộc thiểu số Trường tiểu học Giang Ly (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà). Ảnh: Hương Thảo

Cách đó không xa là em Cao Thị Linh Nhược, lớp 3, đang háo hức nhìn ngắm chiếc bồn tích trữ nước sạch với dung tích 1.000 lít mà nhà trường vừa nhận được. Trong kí ức của em, cứ vào mùa khô, thường xuyên bị mất nước, nên thầy cô giáo và học sinh phải sử dụng nước một cách cực kỳ tiết kiệm. Giờ được tặng bồn chứa nước, nhu cầu sinh hoạt, học tập của Nhược và các bạn khi ăn ở tại trường sẽ được đảm bảo hơn.

Dưới cái nắng chói chang ở vùng đất khô cằn huyện miền núi Khánh Vĩnh, các chiến sĩ, cán bộ Công an Khánh Hoà cùng các tình nguyện viên đang nhanh tay chuẩn bị bữa trưa cho các em. Sau hơn 1 giờ chế biến, những món ăn đã bày biện xong xuôi. Bữa cơm tưởng chừng như đơn giản so với trẻ thành phố, nhưng đối với trẻ em vùng cao đó là những món ăn ngon. Tay vẫn liên tục đưa chiếc muỗng với lấy thức ăn rồi dùng bữa ngon lành, em Mạ Huyền Anh Thư ngượng ngùng nói "Món mì ý này đặc biệt quá, con chưa từng ăn bao giờ nhưng con thấy ngon và thích lắm ạ".

Với lũ trẻ vùng cao, bữa ăn trưa cùng cơm trắng, thêm một vài món mặn, canh đạm bạc đã đủ sức níu chân các em bám trường, bám lớp. Không những thế, được vui chơi, hoà nhập với cộng đồng sẽ góp phần nuôi lớn ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn của các em nhỏ nơi đây.

Cùng níu giữ giấc mơ con chữ

Ước mơ của trẻ em ở nơi đây rất đơn giản: "Con ước mơ được đi học cùng các bạn", "Con ước lớn lên làm cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ còn khó khăn", : Con ước có đồ ăn ngon"… Những ước mơ tưởng chừng giản dị nhưng lại không dễ thực hiện trong điều kiện sống ở đây.

Thầy Phan Tiến Duẩn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Ly cho biết, trước đây ngôi trường thầy và trò theo học nằm ở một vị trí khác, cơ sở vật chất còn sơ sài. Thời điểm đó, người dân lo cái đói nên không quan tâm đến con chữ. Bởi vậy, học sinh thường xuyên nghỉ học để theo cha mẹ lên nương, rẫy để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Nhận thấy học sinh có nguy cơ bỏ học nhiều nên thầy và các thầy cô giáo khác thường xuyên đến từng nhà người dân vận động cho con em đến trường trở lại. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2021 ngôi trường được xây dựng đạt chuẩn và khang trang hơn, tạo điều kiện cho các em trên hành trình đi tìm con chữ.

Gieo yêu thương nơi đỉnh trời Giang Ly- Ảnh 2.

Nụ cười hồn nhiên, rộn ràng. Ảnh: Hương Thảo

Năm nay, trường có 157 em học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Các học sinh đều được miễn tiền học phí theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, các em đã đi học nhiều và đều hơn.

"Cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương, công an tỉnh Khánh Hoà, các mạnh thường quân đã tổ chức chương trình ý nghĩa cho các em. Chính từ những mô hình này đã trở thành nguồn động viên và khích lệ cho một tương lai tươi sáng của các em học sinh tại vùng cao", thầy Duẩn nói.

Theo Thượng tá Đỗ Đức Bình - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Khánh Hoà, đây là hoạt động nhằm tạo mối liên hệ, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa đoàn viên thanh niên các cơ sở trong và ngoài lực lượng Công an Nhân dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong công tác vận động quần chúng, an sinh xã hội, thiện nguyện với quan điểm "nhất định không để người dân nào bị bỏ lại phía sau" của Đảng, Nhà nước. Với mong muốn hỗ trợ, mang đến những món quà thiết thực nhằm động viên các em vượt khó khăn, tiếp tục phấn đấu học tập để thay đổi đời sống gia đình trong tương lai, góp phần phát triển quê hương.

Gieo yêu thương nơi đỉnh trời Giang Ly- Ảnh 3.

Các em nhỏ thích thú, nối đuôi nhau tham gia trò chơi tại sân trường. Ảnh: Hương Thảo

 Có những hạt mầm được lặng lẽ gieo xuống ở những trường học nơi vùng cao. Không chỉ là con chữ, các thầy cô giáo, các cơ quan, tổ chức xã hội…còn vun trồng, gieo yêu thương từ những hành động nhỏ nhằm tiếp thêm động lực giúp các em vươn lên, khắc phục khó khăn, vững bước trên con đường học tập.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn