6 năm trước, khu vực xã Tân Phong, huyện Cái Lậy, tỉnh Tiền Giang, vẫn còn là một cái tên mờ nhạt với du khách ghé thăm vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu hấp dẫn và không có gì khác biệt so với các địa phương khác trong khu vực. Thỉnh thoảng có đoàn khách nước ngoài tới đây trải nghiệm homestay, nhưng cũng nhanh chóng rời đi sau 2-3 ngày vì chỉ có ăn, ngủ mà không biết phải khám phá thêm điều gì khác.
Nhưng từ khi Mekong Rustic Tiền Giang ra đời, du khách tới ngày càng đông, nhiều khách nước ngoài còn rỉ tai nhau đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam nhất định phải ở Mekong Rustic (hiện đã có thêm một cơ sở nữa ở Cần Thơ) bởi mô hình mang đậm hơi thở cuộc sống của người miền Tây và những giá trị bền vững về môi trường – xã hội mà mô hình này mang lại.
Chia sẻ về sản phẩm du lịch đặc biệt này, anh Nguyễn Ngọc Bích (sáng lập và điều hành Mekong Rustic) cho biết, anh luôn hướng đến việc phát triển du lịch bền vững bằng việc hợp tác với người dân bản địa để giới thiệu cho du khách biết đến văn hóa, thói quen và sự hiếu khách của cộng đồng địa phương, nơi còn gìn giữ được những giá trị bản địa vô giá đối với khách du lịch.
"Tại sao phải chạy theo tiêu chuẩn của nước ngoài mà lại gạt bỏ tính truyền thống của đặc sản địa phương? Trong khi phần lớn khách du lịch đều muốn trải nghiệm những yếu tố bản địa, truyền thống như văn hóa, ẩm thực, sinh hoạt và sự thân thiện hiếu khách của người dân. Vì vậy, sản phẩm du lịch cũng nên lấy nguyên liệu từ những yếu tố khác biệt này để xây dựng thành thương hiệu cho du lịch Việt Nam theo tiêu chí kết hợp giữa yếu tố bản địa và tiêu chuẩn quốc tế", anh Bích khẳng định.
Sự phát triển du lịch đã mang đến thay đổi cho cuộc sống của người dân địa phương
Sự thành công của Mekong Rustic là luôn gắn sự phát triển du lịch với gìn giữ những giá trị cốt lõi, văn hoá bản địa và tạo thêm sinh kế cho người dân nơi đây. Mặc dù, có rất nhiều dự án du lịch cộng đồng được xây dựng theo mô hình này, cũng có những dự án đã thất bại hoặc biến tấu sang mô hình khác tại Việt Nam nhưng mục đích của Mekong Rustic là xây dựng một sản phẩm du lịch mà ở đó đặt yếu tố du lịch cộng đồng làm giá trị cốt lõi để phát huy và gìn giữ bản sắc văn hoá riêng, đồng thời nâng cao sinh kế cho địa phương.
Hiện tại, Mekong Rustic đang hợp tác với khoảng 10 hộ dân ở Tiền Giang và Cần Thơ, đào tạo họ làm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch theo mô hình riêng của mình và mang khách tới cho các cơ sở này. Yếu tố môi trường cũng rất được quan tâm bởi toàn bộ nội thất và vật liệu xây dựng nên Mekong Rustic hầu hết là đồ gỗ tái chế, nguồn năng lượng cũng được tiết kiệm triệt để bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời, dùng mái lá dừa cho mát nhà để giảm thiểu việc sử dụng điều hoà, hạn chế rác thải nhựa bằng cách đựng nước trong bình thủy tinh…
Đây chính là điểm khác biệt và tạo nên sức hấp dẫn của Mekong Rustic so với hầu hết các cơ sở du lịch khác. Và chính sự khác biệt này đã mang đến thay đổi cho cuộc sống của người dân địa phương, không chỉ giúp họ cải thiện kinh tế mà còn cung cấp những kiến thức, kỹ năng để họ phát triển bền vững.
Với Craft Link, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm thị trường cho mặt hàng thủ công truyền thống Việt Nam thì mục đích hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và nhóm làng nghề truyền thống khôi phục truyền thống văn hóa, phát triển sản xuất hàng thủ công và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng đã trở thành mục đích chính cho hoạt động kinh doanh của họ.
Craft Link đồng hành với người sản xuất qua việc cũng cấp kỹ năng và thông tin cần thiết để họ sáng tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có tính thực tế và phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của thị trường. Tổ chức này cũng hỗ trợ đầu ra của sản phẩm thông qua hệ thống 3 cửa hàng lớn tại Hà Nội, các chương trình hội chợ và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Craft Link hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và nhóm làng nghề truyền thống
Hiện tại, Craft Link bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thời trang, phụ kiện của 63 nhóm sản xuất trên khắp Việt Nam và trở thành địa chỉ yêu thích của nhiều du khách nước ngoài khi muốn tìm một món quà lưu niệm đậm chất văn hóa Việt. Hoạt động của Craft Link đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, đồng thời góp phần cải thiện cuộc sống cho hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.
Câu chuyện của Mekong Rustic và Craft Link chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng cùng phát triển. Dù có thể đi con đường dễ dàng với lợi nhuận cao hơn, nhưng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch này đã lựa chọn đồng hành cùng người dân địa phương, tư vấn cho họ và hướng họ làm du lịch theo hướng bền vững với hiệu quả lâu dài. Không chỉ giải quyết bài toán về kinh doanh, cách làm của họ còn góp phần giải quyết những vấn đề về môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo nên ấn tượng đẹp về du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm đang trở thành xu hướng trên thế giới như hiện nay.
Sự thành công của những doanh nghiệp này đã làm thay đổi quan điểm và cách làm không đúng vốn tồn tại nhiều năm trong ngành du lịch Việt. Như thay vì phát triển nóng dựa trên việc khai thác đối đa tài nguyên về tự nhiên thì đi chậm hơn, chắc chắn hơn bằng việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên. Quảng bá văn hóa bản địa song hành với việc giữ gìn và phát triển chúng cho những thế hệ sau. Tôn trọng và không phá vỡ sự khác biệt, đặc biệt là trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là hướng đi mới mà nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang học tập và áp dụng.
Anh Chu Tráng, chủ của Tráng Sếnh Homestay, một địa chỉ homestay nổi tiếng ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La)cho biết, khách du lịch đến đây rất thích trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Mông nên từ nơi ở, cảnh quan, món ăn cho đến các hoạt động trải nghiệm văn hóa ở Tráng Sếnh Homestay đều giữ nguyên tính bản địa. "Chúng tôi có tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ giữa du khách với bà con trong bản và xây dựng một đội văn nghệ biểu diễn các điệu múa, bài hát hay các lễ hội truyền thống của người Mông. Du khách rất thích thú khi tham gia những chương trình này".
Còn bà Đinh Nguyệt Ánh – Tổng Giám đốc Vietrantour nhận định, trước đây nói đến trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch, nhiều người thường nghĩ ngay đến các tour du lịch từ thiện hoặc các hoạt động từ thiện như tặng quà, tặng tiền, quần áo, sách vở… Nhưng các doanh nghiệp lữ hành hiện nay đã nhìn nhận trách nhiệm xã hội từ góc độ du lịch theo hướng đầy đủ hơn, như phát triển các sản phẩm tour theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm với môi trường, hay đồng hành cùng nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn