Chia sẻ về hành trình bén duyên cùng gốm của mình, bà Hà Thị Vinh cho biết: "Tôi là đời thứ 15 làm nghề và các con là đời thứ 16 trong làng gốm cổ Bát Tràng. Thế mạnh của chúng tôi là đời nối đời làm nghề. Ban đầu, tôi làm ở Xí nghiệp sứ Bát Tràng, được thử sức ở nhiều môi trường công việc, phòng ban khác nhau. Đến cuối thập kỉ 80, tôi từ nhà nước ra làm cho kinh tế tư nhân. Khi đó, Nhà nước mới có ba thành phần kinh tế, 1 là doanh nghiệp nhà nước, 2 là kinh tế tập thể, 3 là tổ hợp hợp tác xã. Chúng tôi bắt đầu đi lên từ mô hình nhỏ nhất. Đến đầu thập kỷ 90, chúng tôi phát triển thành Công ty gốm sứ Quang Vinh.
Tôi rất tự hào về quê tôi khi các thế hệ đi trước đã đưa sản phẩm ra nước bạn từ thế kỷ 14, 15. Tôi tự hỏi tại sao lại không xuất khẩu được? Câu hỏi tại sao cứ theo tôi mãi".
Mang gốm Việt đi chinh phục thị trường quốc tế
Mong muốn mang những sản phẩm gốm sứ tinh hoa làng nghề đi chinh phục thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, bà Hà Thị Vinh đã sáng tạo ra các mẫu mã, đến gõ cửa từng công ty xuất nhập khẩu. Nhưng lúc đó, ít người tin và trao cho bà các đơn hàng. Quyết tâm làm bằng được, bà đã vào TP. Hồ Chí Minh và ở lại hai tháng. TP. Hồ Chính Minh là môi trường hội nhập với thị trường rất sớm và mạnh mẽ. Tại đó, bà đã tìm được đơn hàng đầu tiên xuất khẩu cho thị trường Ý thông qua Công ty Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
"Ngày xưa chưa có fax, chưa có email, tôi chỉ có thể gửi một ít tờ thông tin giới thiệu sản phẩm. Một tháng sau, tôi nhận được một số hình ảnh về sản phẩm họ yêu cầu thực hiện là trái bóng đá có cành lúa mạch ở trên, có cái bệ dưới đề chữ "Italia năm 90" và một số gạt tàn hình giày bóng đá. Đấy là sự khởi đầu để tôi làm xuất khẩu. Từ một đơn hàng ấy, tôi quay trở lại gõ cửa các Tổng công ty phía Bắc. Niềm tin dần đến và chúng tôi đã có các đơn hàng", bà Hà Thị Vinh nhớ lại.
Đến nay, Công ty gốm sứ Quang Vinh có trên 30 năm xuất khẩu và đã bán được khoảng trên 30 nước. Bà Hà Thị Vinh cho biết: "Chúng tôi đi ra nước ngoài rất nhiều để làm công tác xúc tiến thương mại. Đi đến đâu chúng tôi cũng đi tham quan bảo tàng, di sản, thăm các vùng nông thôn xem người ta làm du lịch cộng đồng thế nào. Tôi thấy họ có nhiều câu chuyện hay và cách họ kể cũng rất hay. Tôi nghĩ, đất nước của mình có nhiều câu chuyện hay nhưng chưa kể được bao nhiêu. Điều đó thôi thúc chúng tôi rằng mình sẽ kể chuyện của làng mình. Bắt đầu từ đấy, chúng tôi chắt chiu tài chính, suy nghĩ để xây dựng nên Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt".
Gìn giữ làng nghề, hỗ trợ cho các doanh nhân nữ
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt là một bảo tàng nhưng là bảo tàng mở, kể câu chuyện của các nghệ nhân, câu chuyện nghề làng nghề gốm Bát Tràng. Bà Vinh giới thiệu: "Tại đây có khoảng trên 60 gian hàng đều là của các nghệ nhân, thợ giỏi có uy tín. Chúng tôi muốn giới thiệu với khách những gì tinh hoa nhất của sản phẩm và có câu chuyện hay nhất. Chúng tôi hỗ trợ miễn phí một năm rưỡi cho các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất do nữ làm chủ. Sau hai năm rất dày công và tôi đã xây dựng được câu lạc bộ nữ nghệ nhân doanh nhân Bát Tràng".
Khi vào trung tâm, mỗi một gian hàng là một dòng sản phẩm riêng, một câu chuyện riêng. Đến đây du khách được tham quan, nghe những câu chuyện của làng gốm cổ truyền Bát Tràng, được chụp hình đẹp và được lựa chọn những sản phẩm rất đẹp. Mỗi sản phẩm đều gắn với một câu chuyện và giá trị sản phẩm được nâng cao hơn. Đó là cách những người sáng lập Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt phối hợp, kết nối giữa tinh hoa của nghề, những người làm nghề với du lịch để truyền tải xa hơn thương hiệu Bát Tràng không phải chỉ ở trong nước và còn với thị trường nước ngoài.
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội và Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng Hà Nội, bà Hà Thị Vinh cũng trao đổi với các nhà sản xuất hướng tới sự khác biệt, làm thế nào để sản phẩm không đụng hàng và làm thế nào tiết kiệm được chi phí đầu vào thông qua nghiên cứu về kỹ thuật cũng như đẩy được tính mỹ nghệ lên để giá trị sản phẩm cao hơn, nâng tầm cho sản phẩm làng nghề trở thành tinh hoa hàng Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn