Nhà trọ có ba chị em. Cả ba chẳng cùng quê, cùng quen hay cùng chung bất kể điều gì với nhau trước đó. Chỉ là túi tiền của chúng tôi có hạn mà giá cả nhà trọ ở Sài Gòn thì bạn biết rồi, vô cùng đắt đỏ. Thế là cùng tụm nhau lại, ngó mặt nhau thấy thật thà, dễ chịu, đồng ý ngay lập tức việc dọn đồ về ở chung.
Chị Hảo siêng làm việc nhà nhất vì chị làm nghề giúp việc nhà theo giờ. Kể cả giờ nghỉ ngơi, hình như chị không thể chịu nổi việc ngồi im một nơi mà không cầm trong tay thứ gì đó để làm. Tôi thi thoảng dọn dẹp đôi chút. Chẳng bao giờ Nga cầm nổi cây chổi quét nhà giúp một tay, dẫu ngày ngày phải đi chung lối qua hai phòng nhà mới tới cái cầu thang gỗ phía sau nhà mà leo lên gác.
Nga lý sự: "Mình dọn sạch phòng mình ở thế là được, nếu muốn tao dọn nhà giúp thì bảo bà ấy quẳng hết đám mèo hen ấy đi. Có chết tao cũng chẳng dọn phân mèo, hôi nhức mũi". Đám mèo thực chất không hen, ngó dễ thương nữa là đằng khác. Nga thà hàng ngày nín thở lúc đi qua cái góc nhà có mấy con mèo ấy chứ nhất định không dọn, để hôm nào cũng kêu ca và trách móc chị Hảo bê bối.
Thực ra, chị Hảo không muốn bọn con trai vào nhà. Mỗi lần có đứa nào gọi điện hay đến hỏi chị lại tỏ thái độ không vừa ý, dù không nói ra. Hôm anh Kỳ đi công tác miền núi về tặng Nga giò phong lan nhưng chỉ gặp chị Hảo, dù anh nói khéo là: "Em tặng ba chị em", chị Hảo vẫn không mỉm cười, chỉ gật đầu nhẹ. Cái Nga đêm nằm rù rì với tôi: "Có lẽ bà ấy ế nên ganh tị với tụi mình có người tới!". Chẳng ai dám chắc. Bởi chẳng bao giờ chị kể cho bọn tôi, chí ít là một điều gì đó về chị.
Nhà có đến ba cái bàn thờ, áp với trần gỗ: một cái thờ Phật Bà Quan âm nhân từ, một cái thờ bố mẹ chị và một cái chẳng rõ thờ ai mà không có một tấm hình. Nhưng không vì thế mà nhà cửa trang nghiêm thêm chút nào, có khi lại mang cảm giác u ám hơn khi nhìn những luồng khói hương đọng lại đen sì trên tầng gỗ.
Chỉ những hôm ngày Rằm, mùng Một, chị mới kê thêm chiếc ghế cao lộc ngộc, vừa kiễng chân, vừa rướn tay lên cắm hương. Hôm trước, khi đưa Nga đi chơi về, anh Kỳ nhìn thấy, hôm sau mới kiếm thêm mấy khúc gỗ cưa cưa đóng đóng cho cao thêm lên. Dáng đứng mỗi lúc thắp hương của chị bớt khổ sở hơn. Nga thấy chị Hảo dạo này bắt đầu xởi lởi với anh Kỳ, lại cau có: "Già rồi còn thích cỏ non!".
Dạo này, thứ bảy, chủ nhật Nga không bận rộn. Tôi vẫn thường ra ban công đứng, ngóng xuống đường như một thói quen. Thấy anh Kỳ đứng đợi phía dưới, gật đầu chào, nụ cười xa vợi. Tôi thành đứa truyền tin, báo lúc anh đến, lúc anh về. Nga nhăn mặt: "Kệ cha ấy. Giờ chỉ là người dưng". "Có chuyện gì à?". Nga không trả lời. Vẻ mặt Nga câng lên một cách đáng ghét, rồi chúi mũi vào một tờ báo, vừa đọc vừa nghêu ngao hát: "Mỗi khi chiều xuống cần có một tiếng cười, để ngậm ngùi theo gió bay...". Thực ra hình như nó chẳng để tâm vào việc gì, cả hát lẫn đọc báo. Tôi chợt thấy thương anh Kỳ.
Rồi một hôm, sau một thời gian, chợt vắng hẳn tiếng xe anh Kỳ. Nga nói, không rõ lý giải hay an ủi: "Chắc bận việc gì". Nó vẫn cắm cúi đọc báo và nghêu ngao hát nhưng không giấu được vẻ bồn chồn. Có lúc, nó đứng bần thần nhìn giò phong lan. Thấy tôi nhìn ra, nó cuống quýt như một đứa mắc lỗi, rồi hỏi vu vơ: "Bao giờ hoa lan nở nhỉ?". Ừ, bao giờ... bao giờ...
Không chỉ con Nga mong phong lan nở hoa, chị Hảo dăm hôm lại leo lên ngóng xem những chiếc nụ xanh non đã lớn thêm chừng nào. Như thể chị mong chờ một sự đổi thay kì diệu nào đó không rõ trong cuộc sống có lẽ tẻ nhạt của chị. Chị nói: "Cây phong lan nở hoa sẽ đưa đến điềm lành".
Tuần sau anh Kỳ vẫn không tới. Tôi đứng ngoài ban công thấy thiêu thiếu khi chỉ có những tiếng xe rồ qua và đi xa. Nga ngồi bóp gối nhìn ra chờ đợi rồi uể oải đứng dậy đi về phía tôi. Hai đứa im lặng bên nhau chỉ để hy vọng một tiếng xe qua. Cây phong lan vẫn xanh rì một màu lá nhưng từ lúc nào đã tách ra từ cái nhành sần sùi một nhành nụ mập mạp và non xanh.
Con Nga dạo này đâm khó tính. Buổi chiều đi học về, mấy con mèo quấn chân, nó đá một con hất ngược vào tường. Tôi thảng thốt nhìn con mèo kêu những tiếng ngoeo ngoeo rền rĩ vì đau. Chị Hảo từ bếp chạy ra, đưa mắt nhìn. Tôi ấp úng: "Em xin lỗi, cái xe của em lỡ tông vào". Nga ngúng nguẩy đi lên phòng. Cả tôi và chị Hảo nhìn theo.
Ngồi xem tivi, không hiểu sao, chị Hảo hỏi dò tôi: "Nga còn yêu Kỳ không?". "Em nghĩ là còn!". "Ừ, Kỳ là người tốt, gặp được người tốt khó lắm em ạ!... Nó ghé nhà lúc chiều, hỏi thăm hai đứa, bảo là xin lỗi Nga vì mấy hôm nay nó không đến được bởi bận cộng tác ở Tây Nguyên. Bọn em còn trẻ lắm, nông nổi và chưa mất mát gì nên chưa hiểu được... Yêu nhau, sao lại làm khổ nhau thế nhỉ?". Đôi mắt chị Hảo chợt mênh mông buồn.
Cho đến bây giờ, tôi mới thấy được đó là một đôi mắt đẹp nhưng buồn. Có lẽ nét mặt thường mỏi mệt của chị không đủ sức tôn lên bất cứ một nét đẹp gì. Chị đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn lên bàn thờ, thoáng chút ấm áp. Lặng đi một lúc, giọng chị như nghẹn đi...
Chị Hảo là con một, gia đình khá giả nhưng hiếm muộn, tới gần năm mươi mới có được chị. Bố mẹ cưng chị như cục vàng. Người yêu chị là một anh chàng vùng biển miền Bắc. Chị từng yêu cái giọng ngọt, nụ cười duyên và vẻ rắn rỏi ở anh đến có thể bất chấp hết thảy. Anh mới bon chen vào lập nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ là người chở hàng thuê cho bố chị. Nhưng có hề gì, tình yêu của một cô gái hai mươi lý tưởng lắm.
Nhưng anh chàng ấy không hề lý tưởng như chị mong đợi. Chiều con, dù có mong ngóng một nơi môn đăng hộ đối, bố mẹ chị vẫn bằng lòng cho tổ chức đám cưới. Cưới xong thì trao quyền chủ hàng cho anh. Nhưng cũng từ đó, thói trăng hoa ngày càng rõ ở chồng chị. Nhất là khi bố mẹ chị mất, anh chàng còn lấy dần của cải cho gái, rước gái vào tận nhà, ngay trước mắt chị.
Của nả ngày một tẩu tán, làm ăn thì thua lỗ, chểnh mảng. Chị cắt đứt quan hệ với anh khi không còn chút gì tình nghĩa. Cái mà anh để lại cho chị là đứa bé hoài thai trong bụng đến tháng thứ sáu mà anh không hề hay biết. Và một chồng chất nợ nần của anh. Đau khổ nhưng vẫn còn hạnh phúc là có một đứa con mà chị mong đợi.
Chị thầm nghĩ tới dáng hình của nó với bàn tay nhỏ xíu xiu nằm gọn trong tay mình, cái gót chân hồng nõn sẽ cựa quậy. Nó sẽ giống chị thôi, đừng giống con người phụ bạc kia. À mà chính chị lại không được nhìn nó, dù chỉ chốc lát. Con bé sinh thiếu tháng, nó yếu đến mức cứ ngằn ngặt khóc không thành tiếng, sức mẹ nó yếu quá không giữ nổi.
Chị đã tưởng mình không vực dậy được, cứ mỗi lúc tỉnh cơn mê mệt, chị lại nhớ đứa bé, lại thấy như giấc mơ hôm nào hiện về. Có con bé dễ thương trên đám mây rất hồng, đang đưa tay về chị... mà mây thì cứ trôi, cứ trôi... xa quá! Nước mắt chị lại vòng quanh trên má, mắt nhắm nghiền mơ về một vầng mây xa.
Tôi không biết mình đã ngồi xích lại bên chị từ lúc nào, mắt chị ráo hoảnh và xót xa mà mắt tôi thì ầng ậng nước. Tiếng cô phát thanh truyền hình chào và cảm ơn cuối ngày thật ấm nhưng thật lạc điệu. Màn hình tivi chuẩn màu đen nhức mắt rồi mất tín hiệu, phát tiếng rè rè đặc trưng. Chị Hảo rướn người rồi tắt phụt. Nhìn dáng chị gầy và tiều tụy hơn. Tôi cứ ngỡ như trong lòng mình vỡ òa những thổn thức...
Nga ngồi chờ tôi ngay giữa cầu thang gỗ, khuất trong bóng nửa sáng nửa tối của ánh đèn phía trên hắt xuống. Chẳng biết tự bao giờ, nhưng có lẽ đã nghe hết câu chuyện... Tôi ngước mắt lên, gặp ánh mắt lấp loáng rất buồn và rất thương yêu từ Nga...
Buổi sáng, tôi và Nga dậy rất sớm. Nằm lặng đi một lúc. Cũng như tối qua, chẳng biết trò chuyện từ câu gì. Chợt thấy đong đưa bên ngoài ô cửa, giò phong lan đêm qua đã nở tự lúc nào. Một màu vàng sáng trong còn ngậm mát những giọt sương, lung linh và lung linh...
Nga khẽ reo lên. Ngồi thần ra một lúc, nó dặn: "Tao xuống dọn dẹp, tí nữa mày xách giò hoa xuống, treo trước sân nhà nhé! Chắc chị Hảo thích lắm!". Tôi nhìn theo dáng Nga đang tự giác xách chổi và cây lau nhà về phía mấy con mèo. Nó còn ngồi xuống vuốt nơi sống lưng mèo. Mấy ả mèo không giấu nổi vẻ bất ngờ, ngúc ngoắc đầu nhìn và rù rù trong cổ thân thiện.
Phía ngoài ô cửa sổ, màu hoa lan vẫn rất đỗi dịu dàng trong những tia nắng mới. Có phải đang đem niềm vui tới không hoa?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn