Có gì mới lạ trong các giỏ quà Tết OCOP?

13:53 | 24/01/2022;
Các sản phẩm vùng miền được chứng nhận OCOP năm nay được ưa chuộng khi xuất hiện trong các sản phẩm biếu, tặng dịp Tết.

"Khoác áo" mới cho sản phẩm OCOP

Tết chính là dịp các chủ thể OCOP giới thiệu sản phẩm, kích cầu tiêu dùng và gây dựng niềm tin với khách hàng. Chính vì vậy, không chỉ quan tâm đến chất lượng mà các đơn vị cung cấp có nhiều đổi mới về hình thức chế biến, đóng gói, làm tem nhãn, hộp đựng cho sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Với sản phẩm cam Cao Phong đã được chứng nhận OCOP của tỉnh Hòa Bình, chị Vũ Thị Lệ Thủy đã phát triển dòng sản phẩm cam quà tặng 3T được lựa chọn từng quả đảm bảo chất lượng, đóng gói thành những bộ quà tặng lịch sự. Bên cạnh đó, từ thành phẩm của trái cam, chị đã làm ra mứt cam, mứt vỏ cam, nước uống lên men từ cam...

Chị Phạm Thị Ánh Ngọc (tỉnh Hà Nam) lại có nhiều sáng tạo, đổi mới để nâng tầm giá trị cho món cá kho nổi tiếng của làng Vũ Đại. Từ món cá kho đã nổi tiếng khắp cả nước, chị đóng gói thành có định lượng dùng cho một bữa ăn gia đình, tách riêng cá và nước sốt, đóng gói thành hộp quà đẹp mắt, có giá thành hợp lý để sử dụng hoặc biếu, tặng.

Phục vụ thị trường Tết, chị Hà Thị Ngọc Điệp (HTX thịt chua Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã "khoác áo mới" cho món thịt chua truyền thống bằng những hộp quà rực sắc đỏ, để sản phẩm bắt mắt và thu hút khách hàng hơn.

Sản phẩm OCOP vào giỏ quà Tết - Ảnh 1.

Phục vụ thị trường Tết, chị Hà Thị Ngọc Điệp (HTX thịt chua Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã "khoác áo mới" cho món thịt chua truyền thống bằng những hộp quà rực sắc đỏ, để sản phẩm bắt mắt và thu hút khách hàng hơn.

Trên thị trường còn có rất nhiều bộ quà tặng Tết của các chủ thể OCOP được bán với mức giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng được giới thiệu, theo tiêu chí ngon, an toàn chi phí hợp lý. "Những sản phẩm OCOP này được người tiêu dùng lựa chọn bởi nguồn gốc rõ ràng, đa dạng mẫu mã, chủng loại, giá cả phù hợp với túi tiền người Việt", chị Trịnh Minh Lý (Hà Nội) chia sẻ.

Đưa sản phẩm gần hơn với người dùng

Để tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây tác động đến nhu cầu thị trường và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, nhiều chương trình kích cầu đã được chính bản thân các chủ thể nỗ lực triển khai. Chị Lê Hồng Vân (công ty Joy VN) chia sẻ: Các sản phẩm chủ lực của công ty chị đều được chứng nhận OCOP của tỉnh Bắc Giang. Chị đã tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng cách tham gia vào gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các hệ thống siêu thị lớn và các điểm giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Không chỉ giới thiệu bộ sản phẩm của riêng mình, các chủ thể OCOP cũng liên kết với nhau để cùng tạo ra những sản phẩm quà Tết đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhiều hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, việc bán hàng trực tiếp hay tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm Tết bị hạn chế, các kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử tại các gian hàng Việt, gian hàng OCOP trên sendo, voso, postmart, ocopmart... được các chủ thể khai thác để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.

Tại các địa phương cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cụ thể, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội tổ chức phiên chợ trên mây, thông qua mạng xã hội và nền tảng Zoom, giúp các chủ thể OCOP thủ đô tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ở cấp Trung ương, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức chương trình livestream với chủ đề "Sản phẩm OCOP Việt Nam: Hội tụ giá trị - Lan tỏa văn hóa" diễn ra vào ngày 18/1/2022, quảng bá sản phẩm OCOP Việt Nam gắn với các giỏ quà Tết OCOP (gồm các sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP 5 sao và sản phẩm OCOP 4 sao tiêu biểu của các địa phương). Từ đó truyền tải những giá trị truyền thống, văn hóa của sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hương vị Tết cổ truyền cho người dân Việt Nam thông qua những sản phẩm đặc sản từ các địa phương không thể thiếu để tạo nên mâm cơm ngày Tết như bánh chưng, xôi, giò lụa, gà, miến, mộc nhĩ, nấm hương...

Việc các sản phẩm OCOP được đưa vào giỏ quà và giới thiệu đến người tiêu dùng trong dịp Tết không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà còn gia tăng niềm tin của người Việt với các sản phẩm của người Việt.

Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm - sau hơn 3 năm triển khai đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Đến nay, đã có 6.010 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có không ít sản phẩm của các chủ thể là nữ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn