Trao đổi với báo giới bên lề phiên đàm phán lương tối thiểu năm 2021 diễn ra sáng nay 23/6, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: Năm nay, việc thương lượng mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ có nhiều khác biệt so với mọi năm, bởi nước ta vừa trải qua một đợt đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới đời sống của đại đa số người lao động.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, do tác động của dịch bệnh, cả người lao động và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nơi, có doanh nghiệp gặp phải khó khăn gay gắt. Với cương vị đại diện cho phía người lao động, lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ sự nỗ lực để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời cũng đặt trong mối quan hệ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch hiện nay.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng lưu ý thêm cách tiếp cận đúng về lương cơ sở và lương tối thiểu. Trong đó, lương cơ sở là do nhà nước trả cho người lao động; còn lương tối thiểu do doanh nghiệp trả cho người lao động trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian bị ảnh hưởng Covid-19 vừa qua, lương của những lao động là công chức, viên chức hưởng lương của Nhà nước, về cơ bản không bị ảnh hưởng quá nhiều. Dù bị giãn cách xã hội, họ ở nhà nhưng công chức, viên chức vẫn được nhận lương đầy đủ.
Tuy nhiên, với người lao động trong thời gian giãn cách, cũng như thời gian sau này, một bộ phận không nhỏ bị mất việc làm, mất thu nhập hoặc giảm việc, giảm thu nhập.
Dù vậy, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định: "Việc không tăng lương cơ sở không có nghĩa là không tăng tương tối thiểu".
Lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Ở góc độ đại diện người lao động, "chúng tôi sẽ căn cứ trên cơ sở đánh giá tình hình đời sống người lao động, nhất là mức sống tối thiểu". Đồng thời cũng đánh giá tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Qua đó sẽ "quyết định kiến nghị tăng hay không tăng, nếu tăng thì như thế nào" – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Còn đại diện giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Đại dịch Covid-19 hoành hành đã tước đi cơ hội tồn tại của nhiều doanh nghiệp, và những doanh nghiệp có sức đề khác yếu cũng bị tổn thương nghiêm trọng, phải tính tới chuyện giải thể. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ giải thể cao hơn.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, dịch bệnh đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, đơn hàng mới và việc làm mới là không có; doanh nghiệp phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động cao như doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản, điện tử….
Các doanh nghiệp này đang chịu sức ép từ nhiều phía, mà đơn hàng không có, nguyên phụ liệu bị đứt quãng, mà người lao động, tiền lương, chính sách an sinh với lao động vẫn phải duy trì. Cũng vì thế, không ít doanh nghiệp đã buộc lòng tiết giảm và phải cho lao động nghỉ việc luân phiên.
Doanh nghiệp và người lao động đều mong muốn tình hình sau dịch tốt lên để có thể duy trì, đẩy mạnh sản xuất.
Việc đàm phán về lương tối thiểu vùng lần này trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn trên nhiều nước và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Việc tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng sẽ được trao đổi, đàm phán, cân nhắc rất kỹ. Trong đó, VCCI cũng trao đổi rất kỹ với các doanh nghiệp, hiệp hội và đưa ra thống nhất của giới chủ sử dụng lao động là kiến nghị "không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021". Qua đó, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi cũng như bảo vệ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn