Giới thiệu nhiều thành tựu nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực huyết học - truyền máu

15:54 | 26/11/2020;
Sáng nay, 26/11, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2020 với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ y tế.

Những năm qua, ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới và đạt được nhiều bước tiến. Để cùng nhìn lại những thành quả nghiên cứu khoa học của chuyên ngành trong thời gian gần đây, gần 1.000 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ y tế sẽ tề tựu tại Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2020.

Giới thiệu nhiều thành tựu nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực huyết học - truyền máu - Ảnh 1.

Sự kiện do Viện Huyết học - Truyền máu TW phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam tổ chức trong các ngày 26 - 27/11/2020 tại Hà Nội

Sự kiện do Viện Huyết học - Truyền máu TW phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam tổ chức trong các ngày 26 - 27/11/2020 tại Hà Nội. Đây là Hội nghị khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - Truyền máu được tổ chức định kỳ, góp phần vào sự phát triển của chuyên ngành và sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại chương trình, các đại biểu cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua gần 100 bài chuyên luận và báo cáo có chất lượng về các lĩnh vực: Huyết học lâm sàng, Huyết học cận lâm sàng, Truyền máu, Ghép tế bào gốc, Di truyền - Sinh học phân tử... cùng với các gian triển lãm và các hoạt động bên lề có ý nghĩa. Các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học đã kịp thời đánh giá những thành tựu của chuyên ngành Huyết học - Truyền máu:

Về lĩnh vực truyền máu: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, công tác vận động, tổ chức hiến máu đã đứng trước những thử thách rất lớn, có những thời điểm đe dọa nghiêm trọng đến việc đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị. Song vượt lên tất cả những thách thức đó, các cán bộ làm công tác truyền máu đã không ngừng sáng tạo và tổng kết được những kinh nghiệm quý báu về truyền thông, vận động và tổ chức hiến máu để vừa chống dịch, vừa đảm bảo đủ nguồn người hiến máu an toàn trong đại dịch.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền máu đã triển khai đồng bộ xét nghiệm sinh học phân tử (NAT), tăng khả năng kiểm soát các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu; chuẩn hóa quy trình điều chế nhiều chế phẩm máu; chú trọng đến truyền máu hòa hợp nhằm nâng cao hiệu quả truyền máu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn người hiến máu và chất lượng đơn vị máu…

Về lĩnh vực huyết học: Ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư máu nhằm đem lại chất lượng cuộc sống tốt với thời gian sống kéo dài cho người bệnh; thực hiện thành công khảo sát dịch tễ về tan máu bẩm sinh trên toàn quốc và phối hợp thực hiện chương trình tầm soát gen bệnh, tiến tới giảm dần số trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh tại một số địa phương…; phát triển liên tục trong hoạt động ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố… 

Lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở bệnh ung thư máu, thalassemia, hemophilia…, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

Giới thiệu nhiều thành tựu nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực huyết học - truyền máu - Ảnh 2.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc 2020 phát biểu tại hội nghị

TS. Bạch Quốc Khánh chia sẻ, năm 2020 là một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công tác truyền máu tại hàng loạt quốc gia phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng về nguồn người hiến máu. Tuy nhiên, ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động người hiến máu và tổ chức tiếp nhận, cung cấp máu an toàn, góp phần vào thành công chung của cả nước trước đại dịch. Dưới áp lực rất lớn vừa điều trị, vừa phòng chống dịch, đội ngũ chuyên gia, cán bộ y tế vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu. 

Những nỗ lực đó thể hiện ở các đề tài nghiên cứu khoa học tham gia trình bày tại hội nghị được đầu tư cả về chất lượng và số lượng, có giá trị thực tiễn cao đối với công tác truyền máu và điều trị, chăm sóc người bệnh. Hội nghị là cơ hội rất tốt để các cán bộ chuyên môn cập nhật kiến thức khoa học, trao đổi kinh nghiệm, góp phần đưa chuyên khoa Huyết học - Truyền máu Việt Nam ngày càng phát triển toàn diện và hội nhập với nền y học thế giới.

Hội nghị cũng dành thời lượng cho chuyên đề Báo cáo viên trẻ với 17 báo cáo do các cán bộ trẻ trình bày. Đây là hoạt động thực sự ý nghĩa được duy trì trong các kỳ Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc, nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ được học hỏi, thực hành nghiên cứu khoa học và phát huy năng lực, xây dựng đội ngũ kế cận cho chuyên ngành.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn