Trở lại thời điểm đầu năm 2021, nếu ai đó nói về chuyện giành học bổng du học, hẳn với Phạm Thu Hà (2004, cựu học sinh THPT Chuyên Đại học Sư Phạm) đó là điều vô cùng xa xôi. Còn nhớ, trình độ tiếng Trung khi ấy của cô gái Thái Bình chỉ vỏn vẹn trong hai câu giới thiệu bản thân đơn giản: "我叫范秋河。我来自越南" (Tôi tên là Thu Hà. Tôi đến từ Việt Nam).
Nhưng, khi ý định du học Trung Quốc nảy ra trong đầu từ giữa năm 2021, lúc đang học dự tuyển, Hà đã quyết định "bứt tốc" để đạt được mục tiêu. Cô tập trung trau dồi tiếng Trung, thi lấy chứng chỉ vào cuối năm 2021. Tháng 3/2022 bắt đầu xắn tay lên kế hoạch săn học bổng.
Quãng thời gian vỏn vẹn 8, 9 tháng kể ra thì nhanh như một cái chớp mắt, nhưng để hoàn thiện hồ sơ cho giấc mơ du học, nữ sinh này đã cố gắng hết sức mình: Từ học tiếng Trung ở trung tâm rồi đến tự học; mày mò để tự nộp hồ sơ.
Thành tích học tập của Thu Hà:
- GPA lớp 10, lớp 11: 9.3 - 9.8
- Giải Nhì kì thi chọn HSG quốc gia môn Ngữ Văn (2020-2021).
- Giải Nhất kì thi chọn HSG môn Ngữ Văn cấp ĐH Sư Phạm (2020-2021).
- Trình độ tiếng Trung: HSK5.
Hoạt động ngoại khóa
- Phó ban Truyền thông 1 dự án cấp 3.
- Trưởng ban Truyền thông 1 dự án cấp 3.
- Diễn giả tâm lí cho 1 dự án.
- Danh hiệu "Học sinh Ba tốt" cấp Thành phố Hà Nội.
Đến giữa tháng 8 năm 2022, Hà nhận được kết quả chính thức. Nữ sinh này đỗ học bổng CSC loại A, Đại học Nam Kinh (NJU), ngành Xã hội học. Đây là một trong những trường đại học tốt nhất ở Trung Quốc. Theo thống kê năm 2018 của tạp chí "Times Higher Education", NJU lọt top 20 trường đại học hàng đầu châu Á và đứng thứ 169 thế giới. Học bổng của Hà bao gồm tiền học, tiền kí túc xá, sinh hoạt phí, tiền bảo hiểm trong 4 năm.
Thành tích này với Hà như một giấc mơ bởi cô tự nhận hồ sơ mình không hoàn hảo: "Em có nghe các anh chị từng đỗ vào Đại học Nam Kinh chia sẻ thì đa phần các anh chị đều có HSK6 (cộng thêm giải quốc gia và nhiều ưu điểm khác). Trong khi em chỉ có HSK5 và điểm không cao. Hoạt động ngoại khóa của em khi đó cũng không có gì là nổi trội.
Vì định hướng muộn nên thời gian chuẩn bị hồ sơ của em khá gấp, động lực thúc giục em gấp rút chuẩn bị chỉ đơn giản đến từ chính hạn đóng đơn nhận hồ sơ của đại học Thanh Hoa. Về kế hoạch chuẩn bị hồ sơ, đầu tiên em lên một danh sách những gì cần chuẩn bị và tự "giới hạn thời gian" chuẩn bị từng mục cho mình, điều này giúp em tránh được việc bỏ sót và trì hoãn, kéo dài thời gian chuẩn bị", Hà chia sẻ.
1. CHUẨN BỊ HỒ SƠ: NHỮNG LƯU Ý NHỎ QUAN TRỌNG
Thư giới thiệu: Hà xin thư giới thiệu từ hai thầy giáo, một là thầy Phó hiệu trưởng trường cấp 3, một thầy là trưởng khoa Ngữ Văn, ĐH Sư Phạm Hà Nội.
Hà chia sẻ, ở phần này nên tránh viết chung chung (thay vì chỉ dùng những tính từ để khen ngợi thì hãy dùng những con số, sự kiện để chứng minh điều đó cho người ta thấy - đây là điều Hà học được trong quá trình học đội tuyển và được 1 người chị khóa trên chia sẻ lại). Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể chèn logo trường vào để thêm sự chuyên nghiệp và uy tín thay vì chỉ viết trên một trang giấy trắng tinh.
Kế hoạch học tập: Hãy viết kế hoạch đi kèm với cả hành động mình đang và sẽ làm để thực hiện kế hoạch đó. Mục tiêu của các trường top đầu không chỉ là đào tạo ra những người xuất sắc mà hơn thế là hướng đến những thế hệ có ích cho xã hội, đem lại giá trị cho cộng đồng; vậy nên, hãy đặt kế hoạch của cá thân trong mối tương quan với xã hội. Đừng chỉ tập trung vào liệt kê các mục tiêu trong 4 năm học mà hãy có những phần dẫn như lí do, quá trình học tiếng Trung,...
Giấy khám sức khỏe: Thời hạn có hiệu lực của giấy khám sức khỏe là 4 tháng. Hãy xin thêm 3-4 bản sao và nhớ xin cả ảnh chụp X-quang.
Passport (hộ chiếu): Hà lưu ý, chụp trang đầu passport thì nhớ chụp cả trang có dấu đỏ bên cạnh trang có ảnh, đấy mới là 1 trang. Tất cả các tài liệu như thư giới thiệu, bảng điểm, giấy khen,... lúc dịch và công chứng nên lấy 4-5 bản, tránh trường hợp lúc cần gấp thì không có.
2. PHẦN PHỎNG VẤN TOÀN CÂU HỎI "NGOÀI LỀ" VÀ MỤC GIỚI THIỆU TÊN ĐỘC ĐÁO
Hà được phỏng vấn qua VooV (ứng dụng họp online của Tencent). Có 2 thầy cô phỏng vấn: Một thầy ở bên khoa và 1 cô phụ trách học bổng. Hà đánh giá thầy cô rất thân thiện, nói tốc độ vừa phải, có 3-4 chỗ do mạng không ổn định, em không nghe rõ nên hỏi lại mấy lần nhưng thầy cô vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng.
Phần câu hỏi phỏng vấn, chỉ có một vài câu là trong danh sách Hà chuẩn bị. Điều này em cũng đoán được vì trước khi phỏng vấn ở Nam Kinh, Hà có phỏng vấn ở 1 trường top khác và nhận thấy điều này.
Theo Hà, đa số các câu hỏi sẽ liên quan tới: Bản thân bạn (giới thiệu bản thân, gia đình, kĩ năng, điểm GPA,…); Kế hoạch học tập (không chỉ là câu hỏi yêu cầu nhắc lại những gì mình viết mà là những câu đào sâu vào vài chi tiết nổi bật trong kế hoạch học tập); Nhiều câu hỏi về chuyên ngành; Nguyện vọng khi apply CSC; Dự định nghề nghiệp. Cụ thể:
1. Giới thiệu bản thân.
2. Giới thiệu gia đình.
3. Nói rõ về một chi tiết mình viết trong kế hoạch học tập.
4. Tại sao lại thấy việc viết chuyện chi tiết đó là quan trọng?
5. Hà có ghi đạt giải HSG quốc gia => Hỏi về form đề, cuộc thi yêu cầu những kiến thức gì?
6. Học hiểu những kiến thức về xã hội qua đâu? (Hà apply ngành Xã hội học)
7. Điểm GPA so với lớp (cấp 3, cấp 2).
8. Phương hướng, phương pháp học.
9. Covid ảnh hưởng gì tới kinh tế Việt Nam?
10. Các sách đã đọc, đã nghe tên liên quan tới ngành học; những nhà nghiên cứu ngành này ở Việt Nam là ai?
11. Một câu hỏi liên quan tới chuyên ngành mình apply.
12. Tại sao chọn THU, WHU, NJU? (ĐH Vũ Hán, ĐH Thanh Hoa, ĐH Nam Kinh)
13. Nếu nhận được của cả NJU và WHU, chọn cái nào, vì sao?
14. Có sẵn sàng học online không?
15. Có khả năng độc lập không và một vài câu hỏi liên quan tới kĩ năng khác.
16. Lời khuyên của thầy cô.
Hà lưu ý: "Nên giới thiệu bản thân đặc sắc, khác lạ một chút, đừng chỉ nói tên tuổi rồi quê quán nha. Ví dụ như với em, em có giới thiệu bản thân bằng cách nói về tên của mình: Thu Hà - dòng sông mùa thu - là nước từ suối chảy ra sông, từ sông nhỏ chảy về sông to, từ sông to đổ ra biển và em kể về hành trình mình "chảy ra" dòng sông lớn hơn (cấp 1 học ở trường làng, cấp 2 học ở ngôi trường nhất nhì cả tỉnh, cấp 3 thi lên học ở ngôi trường có tiếng cả nước,...) và em nói luôn là bây giờ ngôi trường này, vùng đất này chính là "biển lớn" mà em muốn chinh phục và khám phá".
Theo nữ sinh Thái Bình, kế hoạch học tập thường khá ngắn nên hãy chắt lọc và đảm bảo các dự định, chi tiết viết trong đó là có giá trị. Nên tìm hiểu kĩ và nếu được, hãy đọc trước cả một số cuốn sách về chuyên ngành mình apply. Cái gì biết thì hãy tự tin và chân thật mà nói còn cái gì không biết thì cũng có thể nói là mình không biết.
"Lúc phỏng vấn em, thầy có hỏi 3 câu về chuyên ngành mà trước khi em trả lời, thầy còn nói luôn là câu hỏi này ngay bản thân thầy cũng chưa tìm được câu trả lời. Vậy nên, có những điều mình chưa biết, chưa thể trả lời tốt được cũng không sao cả, quan trọng là thái độ cầu thị và không từ bỏ", Hà nói.
Với hồ sơ không quá nổi trội, Hà cho rằng, lý do mình đậu học bổng chính là ở hành trình cố gắng tự khẳng định bản thân.
"Em nghĩ nếu xét riêng từng mảng về hoạt động ngoại khóa, về vốn tiếng Trung, em chưa có sự nổi bật quá lớn so với những bạn khác nhưng nếu xét về cả một quá trình thì em có chút nhỉnh hơn. Nhỉnh hơn ở hành trình cố gắng tự khẳng định bản thân trong những năm cấp 3, ở hành trình từ trường làng (cấp 1) ra trường tỉnh (cấp 2), từ trường nhất nhì tỉnh lên đến trường có tiếng cả nước (cấp 3). Và em nghĩ đó là một trong những yếu tố giúp em nhận được học bổng này".
Thu Hà động viên các bạn học sinh nếu có ý định săn học bổng du học thì đừng ngại thử. Hãy cứ thử, một lần thử là một lần trải nghiệm mà trải nghiệm thì không bao giờ là vô nghĩa cả. Bản thân Hà cũng xuất phát từ suy nghĩ "hay là thử nhỉ" và chuẩn bị rồi nộp hồ sơ, vậy nên điều Hà nhắn gửi là mọi người đừng tự tạo ra giới hạn cho bản thân, hãy cứ thử và biết đâu sẽ có bất ngờ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn