Sẵn sàng kết hôn và sinh con
Thay mặt nhóm khảo sát trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia: "Đưa Nghị quyết XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp" do Hội LHPNVN phối hợp với Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp tổ chức sáng 28/6, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Học viện Phụ nữ Việt Nam - đã có một số đề xuất đáng chú ý đối với nhóm gia đình trẻ hiện nay.
TS Thanh Thủy cho biết nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát trực tuyến từ tháng 4 đến tháng 5/2021 với 279 bạn trẻ từ 16 đến 30 tuổi tại Việt Nam, đồng thời kết hợp phân tích số liệu từ Nghiên cứu Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam 2017-2018 và Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam do Hội đồng Anh thực hiện năm 2020 về vấn đề giá trị hôn nhân.
Tổng quan nghiên cứu của nhóm cho thấy, phần lớn ý kiến cho rằng, gia đình vẫn được coi là giá trị quan trọng hàng đầu trong cuộc sống với nhiều người. Giới trẻ sẵn sàng kết hôn, sinh con khi đến tuổi trưởng thành.
Những giá trị ưu tiên lần lượt trong cuộc sống của họ là: gia đình, sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, chính trị và tín ngưỡng tôn giáo.
Có 46,2% ý kiến người tham gia khảo sát cho rằng thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần kết hôn, lập gia đình.
Riêng đối với nhóm chưa kết hôn, có đến 80,5% người trả lời cho rằng họ sẽ muốn kết hôn và có gia đình trong tương lai. "Hầu hết người trẻ đều lạc quan về khả năng xây dựng gia đình và chăm lo cho gia đình", TS Thanh Thủy nhấn mạnh.
Kinh tế tác động đến giá trị hôn nhân
Về một số kết quả nghiên cứu cụ thể, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, gần 47% người trẻ được hỏi cho rằng hôn nhân vẫn là một giá trị rất quan trọng và hơn 32% cho rằng hôn nhân là giá trị quan trọng. Tình yêu, tư cách đạo đức, lòng chung thủy… vẫn là các giá trị cá nhân được đặt làm tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn bạn đời
Một phát hiện đáng chú ý nữa là các hiện tượng hôn nhân gia đình mới dần được chấp nhận nhiều hơn. Theo đó, có đến 80% thanh niên được hỏi, đều cho rằng họ thấy bình thường với những hiện tượng gia đình mới.
Đặc biệt, hơn 81% nữ có xu hướng đồng tình với hiện tượng độc thân so với nam (76,4%); gần 68% người trẻ sống ở đô thị đồng tình với hiện tượng độc thân so với 35,5% sống ở nông thôn và gần 52% người trẻ đồng tình hiện tượng làm mẹ đơn thân so với 40,1% đô thị.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị gia đình, hôn nhân đối với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, kết quả khảo sát cho thấy gần 70% giới trẻ nhận định yếu tố kinh tế tác động đến sự bền vững của giá trị hôn nhân. Một số yếu tố khác tác động bao gồm thể chế, văn hóa và hội nhập quốc tế…
Một yếu tố mới không thể phủ nhận, đó là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam. Đây cũng là kết quả đáng lưu tâm của nhóm nghiên cứu khi khảo sát ở người trẻ, bởi mạng xã hội, internet đang dần chiếm ngự đời sống hôn nhân gia đình theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực như thực tế đang diễn ra hiện nay.
Việc làm - xương sống của hôn nhân bền vững
Từ thực trạng khảo sát, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thanh Thủy đề xuất 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới đối với thế hệ học sinh, sinh viên; thay đổi kênh truyền thông
Thứ hai, cần định kỳ có những nghiên cứu quốc gia về thế hệ trẻ Việt, trong đó có giá trị hôn nhân gia đình
Thứ ba, cần đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp, đào tạo và dạy nghề cho thanh niên nhằm tạo dựng cơ hội việc làm tốt, tự tin tham gia vào quá trình lao động và trở thành nguồn nhân lực có chất lượng.
"Đa phần thanh niên khi được hỏi đều khẳng định, họ muốn kết hôn khi có kinh tế vững chắc. Vì vậy việc tạo việc làm cho thanh niên là điều quan trọng để tiến tới hôn nhân bền vững", TS Thanh Thủy nhấn mạnh.
Thứ tư, xây dựng mục tiêu gia đình trong thời kỳ mới cần gắn với những giá trị mang hơi hướng hiện đại, phù hợp với giới trẻ. Theo TS Thanh Thủy, gia đình trẻ có suy nghĩ mới.
"Định hướng giá trị về gia đình của thanh niên có nhiều thay đổi, con cái có suy nghĩ độc lập hơn cha mẹ, vì vậy việc xây dựng mục tiêu gia đình mới cần tính toán để có sự gắn kết trực tiếp với mong muốn tâm tư nguyện vọng của giới trẻ", TS Thanh Thủy cho hay.
"Giới trẻ vẫn tin tưởng vào mái ấm gia đình"
Chia sẻ về phần trình bày khảo sát từ nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thanh Thủy tại Hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga cho biết, báo cáo đã có khảo sát nhanh trong nhóm người trẻ để ra một chỉ số đáng chú ý.
"Mặc dù trong bối cảnh có nhiều tác động nhưng giới trẻ vẫn coi giá trị gia đình là quan trọng, quan tâm đến các vấn đề về hôn nhân, kinh tế của gia đình… là những điều mà chúng ta cần tiếp tục quan tâm", bà Hà Thị Nga nhìn nhận.
Cũng theo bà Hà Thị Nga, từ tham luận trên, điều mà mọi người nhận thấy là người trẻ vẫn tin tưởng vào mái ấm gia đình, coi đây là nơi chốn đi về, tin tưởng và cha mẹ của mình. "Trân trọng cám ơn nhóm tác giả đã đưa ra 4 giải pháp mang tính gợi mở để chúng ta tiếp tục có thảo luận trao đổi các vấn đề này có định hướng hơn", Chủ tịch Hà Thị Nga nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn