Nhiều bạn cùng lớp chọn thi các ngành tài chính, kế toán, công nghệ thông tin... với mơ ước tìm được công việc tốt, thu nhập cao, nhưng Nguyễn Thành Đoàn lại khiến mọi người bất ngờ khi làm hồ sơ thi vào khoa Kịch hát Dân tộc, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh (SKĐA) Hà Nội.
Chàng thanh niên quê Hải Phòng, lớn lên trong một gia đình nông dân, không có ai theo đuổi nghệ thuật, giải thích: Từ bé, tôi đã mơ ước được trở thành diễn viên chèo. Tôi nhớ cảm giác thích thú mỗi khi được ra sân bãi xem diễn chèo hồi còn nhỏ. Nghe rồi, tôi mê luôn và tự học hát theo các diễn viên. Cũng may, tôi được mọi người công nhận là “có tố chất”.
Quyết định làm diễn viên, Đoàn hiểu, con đường trước mắt mình không chỉ là những ánh đèn lung linh của sân khấu mà là sự khổ nhọc khi phải đi diễn nay đây mai đó mà chẳng mấy khi được khán giả nhớ mặt, biết tên. Có suy nghĩ, đắn đo song rất may cậu được gia đình ủng hộ vì cả nhà đều yêu nghệ thuật truyền thống và vì lo lắng khi càng ngày càng ít người trẻ đi theo con đường này.
Bùi Ngọc Minh đến với chèo vì một lý do mà bản thân cũng không ngờ. Minh đăng ký thi vào khoa diễn viên kịch nói với mong muốn sau này đóng kịch và phim truyền hình. Trong lúc đang chờ đến lượt thi, Minh bất ngờ nghe từ bên phòng thi tuyển diễn viên chèo một làn điệu cổ. Cảm thấy câu hát hay và đúng với mình quá nên Minh xin đổi sang thi diễn viên chèo. Cũng may, cậu được trời phú cho chất giọng tốt nên dù chưa chuẩn bị kỹ... vẫn đậu. Càng học, Minh càng thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn và quyết tâm theo đuổi môn nghệ thuật này.
Lớp diễn viên chèo K32, khoa Kịch hát Dân tộc, trường ĐH SKĐA |
Nguyễn Thanh Tuấn theo học lớp diễn viên cải lương vì lý do rất... ngộ nghĩnh. Ngày bé, Tuấn mê phim chưởng Hồng Kông. Cậu thích được hóa thân vào những nhân vật lãng tử, giỏi võ. Rồi một ngày Tuấn xem cải lương ở sân bãi và phát hiện ra, tạo hình của các nhân vật cải lương khá giống với những bộ phim mà cậu mê. Nhân vật của cải lương tuy không biết múa võ song tâm hồn cũng rất mơ mộng, gần với nhân vật trong phim võ thuật. Thế là cậu học hát cải lương và nuôi mộng trở thành lãng tử trên sân khấu truyền thống. Thi đỗ vào trường, càng học càng thấy mê, đến nỗi cậu không còn thích phim chưởng nữa.
Tuy số sinh viên mỗi lớp diễn viên kịch hát dân tộc nhiều lắm là 15 người song không khí học tập rất vui vẻ, đầm ấm vì ở đây mọi người đều được hát và được người khác lắng nghe, góp ý. Có những làn điệu các bạn chỉ nghe, rồi tự hát theo, đến khi nghe thầy phân tích cụ thể vì sao phải hát như thế thì đó đúng là một sự thú vị bất ngờ.
Nhiều bạn trẻ xuất thân từ nông thôn rất vui khi được những nghệ sĩ nổi tiếng mà trước kia mình hâm mộ trực tiếp giảng dạy, uốn nắn từng làn hơi, câu chữ.
Hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp rồi mãi mới được giao vai chính bởi nhà hát chỉ dựng 1, 2 vở mỗi năm. Bên cạnh đó, cuộc sống bấp bênh, lương ba cọc ba đồng và phải đi lưu diễn suốt mùa này đến mùa khác đã khiến nhiều bạn trẻ phải từ bỏ con đường theo đuổi nghệ thuật truyền thống.