Giới trẻ Hà Nội thi nhau đập ti vi, điện thoại để xả stress

17:45 | 12/07/2017;
Sốt xình xịch thú vui đập ti vi, phá điện thoại ở Hà Nội; Chung cư 50 tuổi ở Sài Gòn được tháo dỡ hoàn toàn; Một cô gái bị các trang mạng "ép chết" 2 lần... là những tin đô thị được quan tâm ngày 12/7.
Sốt xình xịch thú vui đập ti vi, phá điện thoại ở Hà Nội
 
Cuộc sống hối hả, áp lực khiến ai cũng có thể nổi giận và có nhu cầu trút giận. Để đáp ứng nhu cầu đó, một nhóm bạn trẻ đã quyết định mở “căn phòng xả giận” để ai cũng có thể vào đó đập phá và xả stress. Thú vui tưởng chừng kỳ lạ này thực ra lại đang rất thu hút giới trẻ.

Dù mới được thành lập chưa đầy 2 tháng thế nhưng dịch vụ này đang thu hút rất đông các bạn trẻ ở Hà Nội tới trải nghiệm.
1499784232-149975913724432-4.jpg
Người chơi được cung cấp những vật dụng như gậy bóng chày, gậy đánh golf, xà beng, súng cao su...
Phòng chơi được thiết kế riêng tư để người chơi có được không gian thoải mái nhất. Tại đây những người mang trong mình nhiều stress được tận hưởng cảm giác đập phá những gì mà họ muốn mà không phải lo lắng về những hậu quả sau đó.

Người chơi trước khi tham gia đều được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, mũ bảo hiểm để tránh gây ra thương tích cho mình.

Để có thể “trút giận” lên đồ đạc, người chơi được cung cấp những vật dụng như gậy bóng chày, gậy đánh golf, xà beng, súng cao su...
1499784233-149975913797154-9.jpgNhững đồ đạc trong căn phòng xả stress này từ nồi cơm điện hay tivi, điện thoại đều là hàng thật đã qua sử dụng


Một điều thú vị khác về những đồ đạc trong căn phòng xả stress này từ nồi cơm điện hay tivi, điện thoại đều là hàng thật đã qua sử dụng, giúp người chơi có được cảm giác chân thật nhất.

Được biết kể từ khi mở cửa, phần lớn khách hàng là sinh viên hay nhân viên văn phòng. Đây được coi là những tầng lớp đang phải chịu nhiều áp lực nhất trong xã hội. (Nguồn: Dân Việt).

Chung cư 50 tuổi ở Sài Gòn được tháo dỡ hoàn toàn

12/7, 26 nhà dân cuối cùng ở chung cư Cô Giang (quận 1, TP.HCM) đã hoàn tất việc tháo dỡ, dành mặt bằng xây khu tái định cư và trung tâm thương mại.

Sau quá trình thương thuyết kéo dài nhiều năm, tối qua (11/7) tất cả người dân tại đây đã dọn đồ đạc rời đi.
thao-do-co-giang-9000-1499835484.jpg Tháo dỡ nhà ở khu vực chung cư Cô Giang

Khu vực chung cư Cô Giang có 750 căn hộ, 134 nhà phố liền kề nằm rải rác theo các con hẻm. Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1, TP HCM - cho biết, khu căn hộ gồm 4 block đã được tháo dỡ xong, người dân được tái định cư nơi khác. Quận 1 tiếp tục tháo dỡ 26 trên tổng số 134 nhà phố còn lại để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Việc người dân khu chung cư chậm di dời, bàn giao mặt bằng do chưa thỏa thuận được mức giá đền bù. Người dân muốn mức giá cao hơn so với khung giá Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM ban hành. Khung giá này dựa trên vị trí mỗi căn như mặt tiền, hẻm lớn – nhỏ. Cư dân tại đây nhiều lần tập trung hàng trăm người lên UBND quận 1 phản đối việc giải tỏa vì mức bồi thường không hợp lý.

Chung cư Cô Giang được xây năm 1968. Theo kết quả kiểm định của cơ quan chức năng, chung cư này bị hư hỏng, có thể sập bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. (Nguồn: VnExpress).


Một cô gái bị các trang mạng "ép chết" 2 lần

Liên tục bị các trang mạng sử dụng hình ảnh để phao tin ác ý, nạn nhân nhiều lần liên hệ chủ trang mạng để phản ánh nhưng bất thành.

Ngày 12/7, chị V.T.T.M, 22 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM cho biết một lần nữa các trang mạng dùng hình ảnh của cô phao tin ác ý nhằm câu view.
1111-1499834883790.jpg Chị V.T.T.M bức xúc trước việc một số trang mạng cho rằng mình đã chết.

Cụ thể, vào hồi tháng 9/2016, M. từng bị các trang mạng ăn cắp hình ảnh trên facebook cá nhân để thêu dệt câu chuyện "Cô gái ngủ trước quạt cô gái chết một cách thảm hại".

Vụ việc đã khiến M. bị sốc nặng và nhiều lần liên hệ đến chủ trang mạng để phản ánh nhưng đều tuyệt vọng. Trên trang mạng ấy không hề có địa chỉ liên lạc, số điện thoại.

Thời gian trôi qua, tưởng sự việc đã im, ai ngờ mới đây, một lần nữa hình ảnh ấy lại phát tán và xuất hiện một số bài viết nội dung "Cô gái ăn thịt cóc chết sình bụng".

Về nguồn gốc tấm hình, M. thông tin trong một lần đang ngủ trưa thì một số bạn thân chụp hình sau đó đăng lên facebook để chọc ghẹo. Nhưng sau đó lại bị hàng chục trang mạng thêu dệt hàng loạt câu chuyện. Trong đó, nhiều nội dung kêu gọi từ thiện để giúp đỡ gia đình M vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Chị M. lo lắng không biết làm gì khi ngăn chặn các tin giả đầy ác ý khi không tìm ra kẻ chủ mưu? (Nguồn: Người lao động).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn