“Giữ thăng bằng” cho trẻ lớp 1

11:18 | 10/09/2015;
Từ mẫu giáo chuyển sang giai đoạn tiểu học, nếu không được người lớn quan tâm giúp đỡ kịp thời, trẻ có thể cảm thấy sợ lớp 1, ghét trường, chán cô giáo.
Cha mẹ cần dạy cho con kỹ năng, cách ứng xử trong môi trường mới để không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1. Ảnh: Quý Trung

Học hè từ giữa tháng 8, nhưng, khi năm học mới chính thức bắt đầu, bé Hoàng Minh, con trai chị Khổng Thanh Lê (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa quen với việc đi học lớp 1. Sáng ra, bị mẹ gọi đi học là bé mè nheo đòi ở nhà. Không dưới 3 lần, vừa bước vào lớp là bé nôn trớ. Cô giáo đã phải xếp riêng cho bé một chỗ ngay sát bàn của cô để tiện quan tâm mà bé vẫn hoảng hốt, khóc không thành tiếng.
Trong khi đó, con trai chị Bùi Lê Bình (Q.5, TPHCM), mới nhập học 2 tuần mà ngày nào chị cũng bất đắc dĩ phải nghe “kể tội” bé. Nào thì đến bữa trưa, con chị không chịu ăn, cứ vắt chân lên ghế ngồi chờ cô xúc như hồi còn ở mẫu giáo. Vào giờ học bé quay ngang quay ngửa nói chuyện khiến các bạn khác bị ảnh hưởng. Mới hôm qua, bé để quên bút chì ở nhà nên... cướp luôn bút của bạn bên cạnh. Rồi bé còn đánh nhau trong lớp, cắm bút chì vào ổ điện, làm đổ lọ mực của cô giáo. Mỗi lần nghe chuyện của con, chị Bình lại hoang mang, không biết con có phù hợp với môi trường lớp 1 không, dẫu mới đây chị còn tự tin vô cùng vì bé đã đọc viết thành thạo.
Với nhà chị Trần Thanh Thủy (Q.1, TPHCM), rắc rối lại đến khi con gái chị không chịu tập viết chữ. Chị kể, khi chưa vào lớp 1 thì con rất hào hứng. Nhưng học rồi thì bé lại than vãn lớp 1 chán lắm, buồn lắm. Bé sợ nhất là phải ngồi tập viết chữ. Cô giáo viết chữ mẫu một kiểu nhưng con viết kiểu khác. Chữ của cô chỉ cao có 2 ô ly nhưng chữ của con cao tới 3, 4 ô ly nhìn rất xấu. Biết vậy nhưng chị ép thế nào bé cũng không thể vào “khuôn” được.
Theo chuyên gia tư vấn Vũ Thu Hà, Văn phòng tâm lý Tuổi hồng trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), trẻ bị sốc khi thay đổi môi trường từ mẫu giáo lên tiểu học là bình thường. Ở mẫu giáo trẻ “chơi hoàn toàn”, được cô giáo chăm sóc, bao bọc thì với tiểu học, trẻ bắt đầu “học nhiều hơn” và phải tự lập. Nếu không được bố mẹ chuẩn bị tinh thần và các kỹ năng thì bé sẽ không kịp thích nghi với môi trường mới.
Phụ huynh cần "tự cởi trói"
Trước khi con vào lớp 1, nhiều cha mẹ cho con học chữ, tập đọc trước, coi như đã “chuẩn bị tâm thế cho con” rồi. Thực ra quan niệm chỉ cần trẻ biết trước các bạn thì việc học tập về sau sẽ suôn sẻ là một sai lầm lớn. PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: Nhiều phụ huynh thấy người khác cho con đi học trước nên vội vã cho con học theo mà không biết là đang làm hại trẻ, khiến trẻ càng mất hứng thú học tập hơn. Lẽ ra, khi vào lớp 1, trẻ sẽ được học các kiến thức mới thì nay, trẻ cảm thấy điều gì cũng biết rồi nên không tập trung nghe giảng mà quay sang nghịch, phá phách trong lớp.
Theo chuyên gia Vũ Thu Hà, để giúp trẻ, trước hết phụ huynh cần tự "cởi trói" đối với tư duy “con mình phải hơn con người”. Chỉ sau mấy ngày trẻ nhập học, phụ huynh thường có xu hướng “nghe ngóng” và so sánh con với các trẻ khác. Nếu thấy con có biểu hiện học chậm hơn, viết xấu hơn bạn thì vội vã gây áp lực lên trẻ khiến bé càng sợ hãi. Trong khi, việc học chữ, số ở giai đoạn đầu này không thể nói lên điều gì về năng lực và tương lai của trẻ sau này.
Theo một giảng viên trường ĐHSP TPHCM, cha me cần hiểu sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ. Mới ở tuổi lên 6, tay của trẻ vẫn còn non nớt nên cha mẹ và cô giáo không nên ngay lập tức yêu cầu trẻ phải viết chuẩn từng chữ như quy định. Thay vào đó, có thể chỉ cần trẻ hoàn thành đủ bài viết, viết đúng quy trình, độ cao độ rộng của chữ... đúng tương đối là chấp nhận được. Như vậy, trẻ sẽ không coi việc tập viết chữ như khổ sai. “Viết đẹp cũng thuộc về năng khiếu và sở thích cá nhân. Nếu trẻ thích thì sau này cha mẹ hướng dẫn trẻ cũng chưa muộn, còn không hãy chấp nhận khả năng của trẻ”- vị giảng viên nay nói.
Chuyên gia Vũ Thu Hà cho rằng, cha mẹ cũng cần dạy cho bé kỹ năng, cách ứng xử trong môi trường mới. Cần gửi đến con thông điệp “Con là một thành viên nhỏ trong tập thể lớn. Con cũng phải biết sống hòa hợp, thích nghi với mọi người và tuân thủ các quy định chung chứ không có sự khác biệt”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương: Thực tế có nhiều bé bị hoảng loạn khi vào học lớp 1. Tùy từng trường hợp và nguyên nhân khác nhau mà cha mẹ có phương pháp thích hợp. Chẳng han, nếu chỉ vì sức ép tâm lý thì cha me cần điều chỉnh thái độ, hành vi với con, giúp con bình tĩnh, tự tin. Một số bé do bị tăng động, giảm chú ý, luôn nghịch ngợm mà không thể ngồi yên lại cần được kết hợp với các biện pháp can thiệp bên ngoài để điều chỉnh dần dần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn