Subhan Shaikh, 14 tuổi, thường bắt đầu ngày mới với tách trà hương quế do mẹ chuẩn bị trước khi đến trường. Nhưng do đợt phong tỏa đại dịch vào tháng 3, cô Sitara, mẹ em, mất việc làm nhân viên phục vụ xe buýt. Do đó, việc lo 4 miệng ăn cho gia đình gồm Subhan và hai em gái đã trở thành một thách thức với bà.
Hiện tại, cuộc sống của Subhan chỉ xoay quanh trà, thứ đã trở thành cứu tinh cho gia đình cậu. Thấy cảnh mẹ mình vất vả, Subhan quyết định bán trà dạo trên ở Mumbai để giúp mẹ kiếm thêm thu nhập.
2 giờ chiều, Subhan mượn bếp ở một quầy bán đồ ăn ở Bhendi Bazaar để nấu nước pha trà. Cậu cho trà vào một bình giữ nhiệt rồi treo trên xe đạp. Trà được bán trong ly giấy nhỏ với giá 5 rupee (khoảng 1.500 đồng) mỗi ly.
Không thiếu khách hàng mua trà vì người Ấn Độ uống trà liên tục trong ngày. "Cháu đi loanh quanh cả ngày đến khoảng 10h đêm. Cháu kiếm được khoảng 250 rupee (khoảng 77.500 đồng) mỗi ngày để đưa cho mẹ mua rau ", Subhan nói qua điện thoại từ Mumbai.
Gia đình của Subhan là ví dụ điển hình trong số hàng triệu người nghèo ở thành thị Ấn Độ, những người đã bị đẩy vào cảnh nghèo túng do tác động của COVID - 19 lên việc làm và thu nhập. Mọi ước mơ giáo dục con cái để chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn hầu như phải tạm gác lại.
Hiện tại, các bộ phận của nền kinh tế Ấn Độ đang phục hồi nhưng hàng chục triệu người vẫn chưa có việc làm. Đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ, như những người sản xuất quần áo hoặc đồ chơi, không có nhiều đơn đặt hàng.
Những đứa trẻ như Subhan phải làm bất cứ công việc gì có thể để giúp đỡ gia đình. Những đứa trẻ này có khi còn làm việc cùng với những người trước đây từng làm giáo viên, kỹ sư nhưng hiện tại phải bán rau kiếm tiền trên đường phố. Nhiều người giúp việc và đầu bếp cũng không có việc làm, vì nỗi sợ COVID – 19 và nhận thức về điều kiện vệ sinh cũng như hệ miễn dịch kém ở các khu ổ chuột khiến chủ cảnh giác khi để họ quay lại làm việc.
Vandana Sharma, 33 tuổi, người làm công việc chăm sóc sắc đẹp ở New Delhi cho biết cửa hàng nơi cô làm việc 10 năm đã đóng cửa. Chồng cô trước đây in áp phích, còn mẹ chồng làm việc trong một nhà máy sản xuất lốp xe; nhưng cả hai công việc đều tạm dừng vào tháng 6. Gia đình đã phải chuyển đến ở với người thân sau khi bị chủ nhà đuổi vì tiền thuê nhà chưa trả.
Sharma cho biết: "Tôi sẵn sàng đến nhà những người phụ nữ khác để chăm sóc da mặt và làm móng cho họ, nhưng họ quá sợ COVID – 19 nên cũng không cho tôi vào. Nỗi lo chính của tôi là con gái nhỏ vì tôi không thể mua thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho con bé. Làm sao con bé có thể có sức khỏe tốt được?", cô ấy nói.
Ngay cả trước đại dịch, cuộc sống của người nghèo thành thị ở Ấn Độ cũng rất bấp bênh, mỗi ngày chỉ nỗ lực xoay xở và lo lắng chuyện kiếm ăn, quần áo, nhà cửa. Đại dịch đã khiến cuộc sống nghèo đói cùng cực.
Với công việc trước đây, Sitara Shaikh, 33 tuổi, có thể lo việc ăn uống cho con và gửi chúng đến trường học của bang địa phương. Chồng đã bỏ rơi cô 11 năm trước và không giúp đỡ về mặt tài chính cho gia đình.
Đối Sitara, cuộc sống như trước đây chính là một giấc mơ hạnh phúc. Cô nói: "Điều khiến tôi băn khoăn là lúc trước Subhan thậm chí còn không biết cách pha trà, nhưng bây giờ thằng nhóc lại dành cả ngày để bán trà". Cô tiếp lời: "Có quá nhiều trọng trách gánh trên vai một đứa trẻ 14 tuổi, nhưng tôi không thể tìm được việc làm. Trường học vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa lại, cho nên tôi vẫn sẽ tiếp tục tìm việc".
Khách hàng của Subhan chủ yếu là thương nhân, chủ cửa hàng, tài xế và những người chạy xe kéo ngoài đường.
Có những ngày, cậu bé phải đi bộ 2km từ nhà ở Byculla, phía nam thành phố để đến quầy hàng mua thực phẩm và quay về vì lốp xe đạp bị hỏng nhưng không có đủ tiền sửa.
Qua việc bán trà, cậu bé cũng đã học được ý nghĩa của từ "cạnh tranh". Subhan nói: "Có rất nhiều người bán trà. Điều khiến cháu khó khăn là không có chỗ cố định của riêng mình, nơi cháu có thể dựng quầy hàng để bán. Đi lại cả ngày và mang theo cái phích thật khó".
Khi lướt qua dòng xe cộ và đám đông của thành phố, cậu bé luôn tự nhủ rằng công việc này chỉ là tạm thời thôi, và khi trường học mở cửa trở lại, cậu sẽ quay lại cuộc sống cũ và sống với ước mơ trở thành phi công.
"Cháu đã hứa với mẹ rằng một ngày nào đó bà sẽ ngồi trên chiếc máy bay mà cháu lái", Subhan chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn