Chị Hlạng nguyên là Chủ tịch Hội LHPN xã Măng Ri. Nhờ tham gia công tác Hội, chị được tiếp cận nhiều kiến thức, chị đã tìm được hướng đi mới để khởi nghiệp và vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị kể: Người dân làng chị lúc trước thường có thói quen vào rừng hái dược liệu. Giá trị nhất là đào củ cây sâm đất về bán. Bà con trong làng đào được bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu nên số lượng sâm ngày một ít đi. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng khởi nghiệp là trồng sâm đất để bán. Vậy là chị thu mua lại những củ sâm nhỏ từ bà con để trồng xen canh với các loại hoa màu khác. Sau một thời gian vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, nhận thấy cây sâm khá dễ trồng nên chị bắt đầu nhân rộng mô hình.
Năm 2009, chị Hlạng trồng 1ha cây sâm đất. Đến năm 2012, chị thu được 1,5 tạ sâm tươi. Ở đây, sâm tươi được bán với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, còn sâm khô tùy từng thời điểm giá trung bình từ 350.000 - 500.000 đồng/kg. Những thành quả đầu tiên từ loại "vàng đất" này càng khiến chị quyết tâm duy trì và phổ biến cho bà con cùng làm theo. Hiện nay, chị Hlạng thu về trên 100 triệu đồng/năm nhờ mô hình trồng sâm này.
"Khi vào rừng tìm sâm đem bán, dân làng chỉ tìm được loại củ to bằng ngón tay cái vì sâm ngày càng cạn kiệt, chưa kịp lớn đã bị đào. Mình trồng sâm, đợi mấy năm mới thu hoạch nên củ to gấp đôi, gấp ba. Tại sao mình không trồng để bán cho có lợi hơn. Trồng sâm cho nhiều tiền hơn, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa, trồng mỳ " - chị Hlạng tâm sự.
Từ hiệu quả trên, chị đã chia sẻ kiến thức và hướng dẫn người dân trong xã cùng trồng. Hơn thế, chị còn đứng ra làm đầu mối thu mua sâm đất cho bà con, giúp bà con bán được giá cao và yên tâm về đầu ra. Đến nay, ở xã Măng Ri, 100% người dân đã biết trồng sâm dây với tổng diện tích khoảng 30ha.
"Nhờ chị Hlạng mà kinh tế gia đình mình khấm khá hơn nhiều. Ngày trước, vợ chồng mình chỉ biết trồng lúa rẫy, cây mỳ thôi nhưng từ khi trồng sâm đã có của ăn của để" - anh A Ngôm (trú tại làng Đak Dơn, xã Măng Ri) bộc bạch.
Cán bộ đi trước....
Chị Hlạng nhớ lại: "Năm 1993, làng Pu Tá bị cháy, cuộc sống người dân càng trở nên khó khăn. Mình phải thuyết phục mãi dân làng mới đồng ý theo mình xuống chỗ ở mới. Về chỗ ở mới, mình cùng dân làng dẫn nước suối từ trên núi chảy theo các con kênh tạo thành những ô ruộng bậc thang để giữ nước, giúp bà con canh tác được 2 vụ lúa. Từ cuộc sống du mục, chỉ một thời gian ngắn sau đó, người dân làng Pu Tá đã biết trồng lúa và lên rừng thu hái lá dược liệu làm thuốc. Giờ đây, dân làng đã biết trồng cây sâm đất để thoát nghèo và phát triển kinh tế. Bản làng mình đã thay đổi rồi".
Già làng A Nít - nguyên Bí thư xã Măng Ri - nói: "Cái Hlạng nhanh lắm, nó biết giúp dân làm giàu từ rừng núi như vận động người dân trồng cây lúa, sâm dây. Lòng chảo Măng Ri giàu lên, một phần cũng là nhờ công của cái Hlạng đấy".
Ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri - cho biết: "Trong những năm qua, chị Hlạng đã 2 lần vinh dự được TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen bởi thành tích lao động sản xuất và là tấm gương hỗ trợ cộng đồng".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn