Năm 2005, chị Nguyễn Thị Thiện kết hôn với anh Bùi Thái Thực. Sau kết hôn, anh Thực vẫn làm công việc mà bao đời nay trai tráng vùng biển vẫn làm: đi biển. Không có vốn đóng tàu, anh chỉ có một chiếc bè. 3h sáng khi tất cả còn chìm trong màn đêm, anh đã lặng lẽ đẩy bè rồi khởi động động cơ nhắm về phía biển đêm đen đặc.
1, 2 h chiều anh mới cùng với bè về bờ. Đặc thù đi bè, lưới nhỏ chỉ đánh bắt được ở gần bờ nên cá tôm cũng ít. Ngày cao điểm anh được 200 – 300 nghìn đồng, gặp ngày thời tiết không thuận lợi có khi phải về không. Mỗi tháng số tiền bán cá bán tôm tính trung bình chỉ được khoảng 3-4 triệu đồng.
Chị Thiện ở nhà đợi chồng đi biển về mang cá tôm ra chợ bán. Thời gian còn lại chị trồng ngô, lạc, khoai trên mảnh đất rộng 3 sào của gia đình. Nghề nông nhọc nhằn, mất tiền giống tiền phân bón thuốc trừ sâu. Cây trồng mất 3-4 tháng mới cho thu hoạch.
Năm 2005, 2008 các con chị lần lượt ra đời. Con càng lớn, chi phí gia đình càng tăng mà nghề đi biển thì vẫn thất thường, nghề nông nghiệp vẫn chật vật.
Trong những ngày đi bán tôm cá do chồng đánh bắt, chị Thiện thấy thương lái thường về tận bãi biển mua sứa tươi rồi mang về phơi khô, ngâm gia vị và bán cho thực khách. Cách ngâm sứa chị cũng đã học được từ mẹ mình. Chị bắt đầu manh nha suy nghĩ đến việc bỏ nghề nông chuyển sang làm dịch vụ. Nghĩ vậy nhưng vốn không có, cũng chưa một lần kinh doanh nên chị vẫn còn ngần ngại.
Đúng lúc ấy, năm 2010, TYM mở rộng hoạt động đến thôn Nam Tiền Tiến - Diễn Kim. Lúc đó chị là Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Chị cùng với 5 chị em nữa trong thôn đến nhà văn hóa nghe cán bộ TYM giới thiệu về hoạt động, về cách thức vận hành cũng như các sản phẩm tài chính và dịch vụ hỗ trợ phát triển cộng đồng của TYM.
Nhận thấy sự phù hợp với điều kiện của bản thân, sau buổi đó chị trăn trở rất nhiều. Ý tưởng kinh doanh lớn dần lên trong chị. Chị tìm gặp cán bộ TYM và chia sẻ ý định của mình.
Ý tưởng kinh doanh của chị được ủng hộ ngay lập tức. Chị cùng 5 chị em nữa của thôn được giới thiệu tham gia lớp tập huấn miễn phí của TYM trong 2 ngày. Ở đó các chị được cung cấp kiến thức về quản lý kinh tế hộ gia đình, về khởi sự kinh doanh và tìm hiểu về phương thức vay vốn, hoàn trả dần cũng như tiết kiệm của TYM.
Cùng với đó đêm chị về thủ thỉ thuyết phục chồng ủng hộ mình bỏ nghề nông chuyển sang kinh doanh. Không phản đối gay gắt nhưng anh vẫn e ngại: "Nhà mình bao đời nay có làm kinh doanh bao giờ. Vả lại giờ làm thì lấy đâu ra vốn...".
Chị trấn an chồng: "Cứ cho em làm thử, ngày xưa mẹ dạy em ngâm sứa kỹ lắm. Vốn thì đã có TYM cho vay. Mình chỉ việc trả dần hàng tuần...".
Nhờ hướng dẫn của cán bộ TYM, chị mạnh dạn vay món vốn đầu tiên với mức vay 7.000.000 đồng để khởi sự.
Chị được chồng đào giúp một cái hầm lớn quây bạt làm nơi chứa sứa. Rồi hàng đêm anh lại ra biển, còn chị mày mò thử nghiệm với những lô sứa ngâm của mình.
Cách ngâm sứa đúng là đơn giản từ dân gian đã có truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên đó chỉ là làm nhỏ lẻ như món ăn trong nhà, để làm thành sản phẩm kinh doanh lại là một câu chuyện khác.
Từ những kiến thức kinh doanh cơ bản nhờ buổi tập huấn của TYM, cùng nỗ lực của bản thân, chị mày mò với nhiều đợt sứa khác nhau, vừa làm vừa bán quy mô nhỏ lẻ vừa biếu mấy người bà con xóm giềng ăn để cho ý kiến góp ý. Từ những phản hồi của người dùng thử chị dần điều chỉnh lúc thêm đướng lúc bớt muối để vị sứa ngâm phù hợp nhất với khẩu vị của khách hàng.
Sau nhiều ngày miệt mài thử nghiệm cuối cùng chị cũng tìm được công thức cho riêng mình.
Mặt hàng sứa khô ngâm gia vị của chị được thị trường dần chấp nhận. Đợt vay vốn đầu tiên cũng kết thúc. Thấy được lợi ích và sự thuận tiện trong việc vay vốn và hoàn trả của TYM, chị tiếp tục vay vốn với số vốn lớn hơn để kinh doanh, 20, 30 rồi 50 triệu.
Cùng với đồng vốn của TYM chị dần đầu tư mua thêm máy móc để sản xuất sứa, sửa chữa khang trang và mở rộng thêm cơ sở sản xuất của mình. Năm 2016 chị chính thức cho ra đời thương hiệu sứa khô Ngọc Thảo. Quy mô sản xuất của chị cũng lên đến 5 tấn mỗi lần nhập hàng. Chồng chị cũng dừng đi biển, chuyển sang hỗ trợ chị làm kinh doanh và mở rộng thị trường. Hiện mặt hàng của anh chị đã có mặt tại nhiều thành phố lớn trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Sở hữu khu nhà xưởng chế biến sứa rộng hơn 2.000 m2, hiện cơ sở của chị tạo việc làm cho 5 hội viên phụ nữ. Chị tiếp tục tham gia TYM để vay thêm vốn cho hoạt động kinh doanh, đồng thời gửi tiết kiệm định kỳ để tích lũy tài sản cho gia đình.
Bên cạnh thành công cá nhân, chị tích cực hỗ trợ chị em hội viên phụ nữ tham gia là thành viên của TYM. Hiện chị vẫn là Chi hội trưởng phụ nữ đồng thời là cụm trưởng một cụm của TYM với 68 thành viên.
* Thành viên: Khách hàng tham gia vay vốn, tiết kiệm và hưởng lợi các dịch vụ phi tài chính của TYM.
TYM là tên viết tắt của Tổ chức Tài chính Vi mô TNHH MTV Tình Thương, được Hội LHPN Việt Nam thành lập năm 1992. TYM hoạt động nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ. TYM hiện hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố Việt Nam với hơn 190.000 khách hàng, dư nợ vốn 2.561 tỷ đồng và dư tiết kiệm 1.955 tỷ đồng. Qua 30 năm hình thành và phát triển, TYM đã hỗ trợ hàng trăm nghìn phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống tốt hơn và đạt nhiều thành công trong cuộc sống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn