Giúp con không là 'bánh bèo vô dụng'

21:51 | 08/03/2017;
'Bánh bèo' và 'bánh bèo vô dụng' là những thuật ngữ mới được cập nhật và sử dụng khá thường xuyên trong vốn từ vựng hàng ngày của giới trẻ 9X, 10X. Cha mẹ cần biết để giúp con thoát khỏi những biệt danh này.
Nguyễn Thị Phương, con gái chị Hoàng Thanh Lâm (Q.3, TPHCM) năm nay 15 tuổi nhưng đã ăn mặc và trang điểm giống như những cô gái 18, 20. Vợ chồng chị Lâm ly dị cách đây 3 năm. Cả bố và mẹ đều bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con nên họ quyết định bù đắp tình thương bằng cách đáp ứng tất cả nhu cầu mua sắm hàng hiệu của con: Từ quần áo tới đồ trang điểm, từ xe cộ tới điện thoại...

“Con bé bắt đầu chểnh mảng học hành và chỉ quan tâm tới việc ăn diện, làm đẹp. Buồn nhất là con cắt đi mái tóc dài mượt mà, để làm tóc xoăn tít và nhuộm màu đỏ quạch” - chị Lâm buồn rầu chia sẻ - “Tôi có góp ý con đang ở độ tuổi học sinh, không nên mất nhiều thời gian để ý nhan sắc. Song con bé không nghe, tối ngày chỉ chăm chăm đòi mua hàng hiệu để tô điểm cho vẻ bề ngoài. Con bé thậm chí ngang nhiên đánh giá người khác dựa trên vẻ bề ngoài của họ. Con thường xuyên tỏ ra coi thường những người ăn mặc giản dị và nghèo khó”.

Vợ chồng chị Lâm cũng nhiều lần cãi vã và đổ lỗi cho nhau khi thấy con gái có những biểu hiện của một đứa trẻ hư.

'Tầm gửi' chính hiệu

Nhiều gia đình chiều chuộng con tới mức cơm bưng nước rót cho con tới tận... răng và không yêu cầu con động tay động chân vào bất cứ việc gì. Thói quen này của các bậc phụ huynh vô hình trung đã khiến con trẻ không có cơ hội hình thành và rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết.
Giới trẻ vẽ tranh "chế" thể hiện tinh thần "bánh bèo vô dụng"
Mặc dù nhà cách trường chưa tới 2 km song gia đình chị Hà Minh Thảo (Bắc Giang) luôn cho người đưa đón cậu con trai Nguyễn Hữu Long bằng ô tô. Học hết cấp 2, Long vẫn chưa biết tự đi xe đạp như bao bạn bè cùng trang lứa. Chưa hết, Long bị bạn bè gọi là “gà tồ” vì có những kỹ năng vô cùng đơn giản, cậu cũng lắc đầu nói không biết.

Thích được làm... cocc

 Dù là nam hay nữ, “bánh bèo vô dụng” đều thích dựa dẫm vào mọi người hơn là tự cố gắng và đi lên bằng sức mình. Bản tính “COCC” (viết tắt của cụm từ: “con ông cháu cha”) được thể hiện qua các hoạt động lớn nhỏ trong đời sống...

Trần Thiên Thanh, con gái chị Nguyễn Thị Bích (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) đến tận bây giờ, khi đã 17 tuổi, vẫn không muốn động tay, động chân vào bất cứ việc gì trong nhà. Dù chỉ là chuyện nhỏ, cô cũng “nhờ” người lớn trong nhà hoặc các em làm giúp. Còn Phạm Mạnh Quyền, con trai chị Đỗ Bích Thủy (Bắc Ninh), sau khi tốt nghiệp đại học không chịu tự mình nộp hồ sơ xin việc mà nằm nhà đợi bố mẹ tìm cửa “rải tiền” cho con vào ngân hàng làm.

3 điều cha mẹ cần ghi nhớ

- Đa phần những người trẻ không thích bị gọi là “bánh bèo”, đặc biệt là “bánh bèo vô dụng”! Tuy nhiên, có thể các con không ý thức được rằng, các hành vi của mình là biểu hiện của một “bánh bèo”, cần được điều chỉnh.

- Không phê bình hay lên án. Hãy lắng nghe suy nghĩ của con trước khi nói ra mong muốn và kỳ vọng của mình.

- “Bánh bèo” không phải là xấu nhưng nếu mức độ “bánh bèo” vượt quá ngưỡng cho phép và trở thành “bánh bèo vô dụng” thì đến lúc cha mẹ cần lên tiếng để giúp con thay đổi. Đừng tạo thêm động lực biến con thành người trẻ... vô dụng.  

  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn