Giúp doanh nghiệp lớn phát triển chuỗi cung ứng nâng cao năng suất lao động

21:25 | 26/05/2024;
Đó là một trong những giải pháp giúp nâng cao năng suất lao động được TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương, kiến nghị.

Theo TS Nguyễn Tú Anh, những lĩnh vực doanh nghiệp làm chủ cần được chú trọng như: Ngành sản xuất ô tô, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép,…

Ông Tú Anh cho rằng, việc chú trọng mở rộng quy mô doanh nghiệp tư nhân, cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) doanh nghiệp tư nhân chính sẽ là cú huých lớn cho doanh nghiệp cả nước.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), NSLĐ của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua tương đương (PPP) là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…

Nếu nhìn con số này, NSLĐ của Việt Nam còn thấp, do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.

Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP). GDP của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017 là 1.321.694,15 triệu USD.

TS Nguyễn Tú Anh phân tích, NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore. Mặc dù vậy, NSLĐ của Việt Nam khá thấp.

Vì vậy, một trong những việc Việt Nam cần làm để tăng NSLĐ trên góc nhìn vĩ mô là cần phải đẩy nhanh phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nnghiếpo với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mục tiêu quan trọng để thúc đẩy NSLĐ.

TS Nguyễn Tú Anh kiến nghị, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030.

"Khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp tăng, NSLĐ mới tăng nhanh và bền vững vì người lao động được chăm lo tốt hơn, người lao động cam kết lâu dài hơn, có động lực để nâng cao năng lực trình độ và tăng NSLĐ", ông Tú Anh chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn