Giúp trẻ bớt ganh ghét, đố kỵ với người khác

07:30 | 05/10/2020;
Nhiều đứa trẻ khi nhìn thấy bạn bè có đồ chơi đẹp, váy áo xinh hoặc kết quả học tập cao hơn liền tỏ ra ganh ghét, đố kỵ. Những đứa trẻ này ít khi có cảm giác hạnh phúc vì luôn luôn tỵ nạnh với những người bên cạnh mình.

Theo chị Nguyễn Thị Bích Hậu (tác giả cuốn sách Đồng hành du học cùng con), do những đứa trẻ này chưa học được  cách đồng cảm với người khác. Muốn vậy, cha mẹ sẽ mất công giúp con hiểu cảm xúc của chính mình cũng như cảm xúc của những người xung quanh để từ đó học cách đồng cảm. Có được đồng cảm, trẻ sẽ có hiểu biết, sống chân thành và tử tế, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ người xung quanh.

Điều đầu tiên, phải dạy con hiểu cảm xúc của bản thân. Ví dụ như thế nào là buồn, vui, cáu giận. Vì sao buồn, vì sao vui? Bởi khi trẻ hiểu vì sao buồn, vui, cáu giận thì trẻ mới hiểu được buồn, vui, cáu giận của người khác. Nếu chính trẻ không hiểu được cảm xúc của nó một cách rõ ràng thì trẻ không có sự đồng cảm được. Chính vì vậy, khi trẻ bắt đầu có cảm xúc mạnh như khi trẻ bị mất một món đồ chơi, mất con vật yêu thích, trẻ sẽ rất buồn. Lúc đó, bố mẹ cần giúp cho con hiểu tại sao con buồn, nỗi buồn đó có thể được bù đắp bằng cái gì và cái gì mà trẻ phải tự chịu đựng những mất mát đó. Từ đó, trẻ mới có khả năng đồng cảm với người khác khi trẻ thấy họ cũng mất một con chó, con mèo như nó.

Thứ hai, dạy trẻ đồng cảm bằng cách làm gương cho con. Bố mẹ phải có trách nhiệm, chia sẻ yêu thương. Khi người nào đấy trong gia đình, trong cộng đồng có chuyện gì buồn, thì bố mẹ cần chia sẻ, đồng cảm với nỗi buồn hay niềm vui đó. Từ đó, đứa trẻ mới hiểu đó là hành vi chia sẻ cần thiết.

Để trẻ bớt tính ganh ghét, đố kỵ với người khác - Ảnh 1.

Cần dạy trẻ biết đồng cảm với mọi người xung quanh. Ảnh minh họa

Có thể dạy trẻ sự đồng cảm bằng cách trò chuyện với con. Như có thể đọc sách cùng con, xem ti vi cùng con. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng các nhân vật trong sách, trong phim để chia sẻ cảm xúc với nhân vật đó. Nhân vật đó đau buồn, vui vẻ, hân hoan thế nào, bao nhiêu cung bậc cảm xúc trong nhân vật để giúp con hiểu cảm xúc, tình tiết đó một cách dễ dàng.

Dạy trẻ đồng cảm bằng hành động thực tế như có thể giúp một người già đi qua đường, giúp một người bạn bị ốm hay đi tìm con chó, con mèo cho bạn hàng xóm, hay tìm món đồ chơi bị mất cho người bạn hay tặng bạn một món quà…. Những tình huống đó giúp trẻ chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ người khác, giúp trẻ đồng cảm…

Có thể dạy trẻ đồng cảm thông qua trò chơi và quan sát. Như có thể đóng vai một nhân vật nào đó trong truyện, phim, nảy sinh các tình tiết gây cho trẻ cảm giác mất mát, buồn hay là bực bội, vui vẻ thì cảm xúc phát triển như thế nào. Sau đó, bố mẹ nói chuyện với con, nếu con muốn cho mọi người vui thì con mang đến niềm vui cho mọi người. Còn con muốn mọi người đỡ buồn, con nên chia sẻ sự đồng cảm để cho mọi người cảm thấy được an ủi và ấm áp hơn.

Đặc biệt, cách dạy tự nhiên nhất là giúp trẻ có bầu không khí đồng cảm. Như trong một lớp học, việc xây dựng một bầu không khí đồng cảm rất quan trọng để mọi người có thể hiểu nhau, thông cảm với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Quan trọng nhất là ai cũng thấy xung quanh mình đều được đồng cảm, yêu thương. Nếu trong gia đình có sự ganh ghét, tị nạnh thì trẻ sẽ phát triển tính cách không tốt, cảm xúc tiêu cực.

Ngoài ra, cần thể hiện sự ấm áp, đồng cảm với con khi con buồn, vui. Niềm vui, nỗi buồn của trẻ rất đơn giản. Nếu bố mẹ đặt mình vào vị trí, vai trò vào đứa bé thì sẽ đồng cảm với con và cần giải thích cho con hiểu tại sao có những cảm xúc đó.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn