Một số nguyên nhân dẫn đến hành động mút tay của trẻ:
- Trẻ sơ sinh mút ngón tay như một nhu cầu tự nhiên, nhất là trong lúc đói. Để hạn chế bé mút tay mẹ bé hãy cho con bú sữa nhiều hơn hoặc ngậm ti giả.
- Cơ thể trẻ thiếu nguyên tố vi lượng dễ khiến cho trẻ thích mút ngón tay. Bố mẹ đưa bé đi khám sức khỏe nếu phát hiện ra con thiếu nguyên tố vi lượng nào cần kịp thời bổ sung nguyên tố đó.
- Trẻ thường mút ngón tay khi chịu áp lực lớn. Bố mẹ quan sát kỹ xem liệu có phải bé thường mút tay ở trong tình trạng lo lắng, căng thẳng hay không, nếu đúng như vậy thì cần tìm cách khắc phục, giúp bé loại bỏ áp lực.
Khi bố mẹ thấy con mút ngón tay không nên quát mắng hay trách phạt trẻ, làm như vậy không giúp trẻ bỏ được thói quen không tốt, mà còn làm bé tổn thương và xấu hổ. Bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản sau:
- Để hai tay trẻ không “nhàn rỗi”: Bố mẹ có thể nghĩ ra các cách giúp con sử dụng đôi tay của mình, để bé không có cơ hội “buồn tay”, “buồn mồm” mà đưa tay lên miệng ngậm nữa. Chỉ cho bé trò chơi hoặc nhờ bé làm một việc gì cần hoạt động cả hai tay, lâu dần quen với việc không mút tay bé sẽ tự bỏ thói quen này.
- Bôi thuốc đắng vào ngón tay: Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, bố mẹ có thể giã rau đắng hay các loại rau hoặc thuốc có vị đắng rồi bôi lên ngón tay của bé. Khi bé đưa tay lên miệng cảm nhận được vị đắng sẽ không còn muốn mút tay thêm lần nào nữa, dần dần sẽ bỏ được thói quen xấu.
- Đưa ra quy định cho việc mút tay: Nếu việc mút tay trở thành một thói quen khó bỏ của trẻ, bố mẹ không cần ngăn cản con làm việc này, chỉ nên giới hạn thời gian bé mút tay, tránh cho bé mút tay cả ngày dẫn đến không thể bỏ. Ví dụ bố mẹ có thể quy định con chỉ được mút tay lúc trước khi đi ngủ, hoặc lúc nào ở trong phòng ngủ hay ở trên giường, ngoài ra nếu con mút tay vào những lúc khác bố mẹ sẽ phạt.