Giúp trẻ vượt qua cú sốc khi bố mẹ chia tay

00:00 | 05/08/2016;
Tổn thương khi bố mẹ ly hôn khiến trẻ rơi vào tình trạng tồi tệ. Nếu không có giải pháp kịp thời có thể mang lại hậu quả đáng tiếc và kéo dài trong suốt cuộc đời sau này của trẻ.
 
  1. Trấn an trẻ rằng bố mẹ lúc nào cũng yêu thương trẻ

Khi chứng kiến sự phức tạp trong việc ly hôn của bố mẹ, trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Mọi thay đổi trong cuộc sống bắt nguồn từ việc ly hôn có thể đặt trẻ vào tình huống khiến các em tự trách cứ bản thân vì những việc đã xảy ra quanh mình.

Trẻ yếu đuối và nhạy cảm có thể nghĩ rằng, bố/mẹ bỏ đi là do mình không ngoan. Cách giải quyết tình trạng này là thường xuyên an ủi trẻ bằng vòng ôm ấm áp hoặc những lời trấn an, rằng bố mẹ vẫn luôn yêu thương trẻ và luôn ở bên các con.

  1. Nói với con lý do bố mẹ chia tay

Cùng với việc an ủi, bố mẹ nên nói cho trẻ biết sự thật về việc hai người chia tay nhưng hãy nhớ đến độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ, để trẻ hiểu rằng bố mẹ ly hôn không phải do lỗi của mình. Giấu giếm hoặc nói dối con về việc ly hôn có thể không mang lại lo lắng hay rắc rối cho trẻ, nhưng sẽ khiến trẻ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn khi biết được sự thật, trẻ sẽ mất niềm tin vào bố mẹ và cuộc sống.

 
  1. Tránh đổ lỗi hoặc trách cứ đối phương trước mặt con

Trách cứ hay đổ lỗi cho người kia chỉ mang lại cảm giác tiêu cực cho bất cứ ai nói chuyện với bạn. Bạn có thể tâm sự cùng bạn bè ở bên ngoài hoặc giải tỏa với bác sĩ trong buổi điều trị tâm lý, nhưng đừng trút cảm xúc tiêu cực cho con cái, kể cả khi trẻ muốn bạn làm vậy. Việc này sẽ khiến trẻ thêm căng thẳng và đau lòng, hơn nữa còn vô tình truyền đạt cho trẻ những điều không hay về bố/mẹ và có thái độ không tốt với người kia. Hãy động viên con giữ quan hệ tốt và có thái độ đúng mực với người còn lại, để giảm căng thẳng và giúp trẻ không có cảm giác nặng nề sau cuộc chia tách.

  1. Duy trì thói quen hàng ngày của con

Ly hôn kéo theo nhiều thay đổi trong cuộc sống thường ngày, điều chỉnh để thay đổi cùng lúc nhiều thứ là điều khó khăn với bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ em. Nhiều việc thay đổi khiến trẻ chịu nhiều áp lực và bắt đầu hình thành những lo lắng trong cuộc sống. Bố mẹ nên cố gắng duy trì thói quen và sở thích của con để trẻ cảm thấy rằng cuộc sống vẫn bình thường. Trẻ quen với việc được mẹ đưa đi học và bố đón về nhà, hay cuối tuần cùng mẹ mua sắm và cùng bố chơi thể thao... những thói quen này nếu có thể duy trì thì bố mẹ hãy cùng bàn bạc để giúp con thích ứng với việc ly hôn tốt nhất có thể.

  1. Cho phép con bày tỏ sự thất vọng
Có thể bày tỏ sự thất vọng cho bố mẹ biết sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh hơn và tăng cường mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ hãy để con nói ra hết những thất vọng và buồn phiền về việc ly hôn hay bất cứ việc nào khác. Đồng thời để con biết rằng bạn hiểu cảm giác của con và hoàn toàn không buồn hay tức giận về những gì con nói. Mang lại cho trẻ sự ủng hộ và thoải mái về tinh thần là cách giúp trẻ vượt qua thời gian khó khăn tốt nhất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn