"Chồng mình bảo, con gái hay con trai đều được"
Theo chân chị Xuân và những thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng xóm Mỏ Chì (xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi đến nhà chị Ngô Thị Đào. Nằm ngay cạnh nhà văn hóa xóm, nơi vẫn diễn ra hoạt động định kỳ hằng tháng của Tổ truyền thông, nhà chị Đào trở thành điểm dừng chân quen thuộc của các thành viên trong Tổ.
"Ngày trước, ở đây phụ nữ chỉ ở nhà làm nương rẫy, không đi học, 15 tuổi là đã đi lấy chồng rồi đẻ con. Nhiều chị chưa đẻ được con trai cứ phải cố đẻ, đến khi có con trai mới thôi. Mình thấy vất vả lắm. Bản thân mình có 2 con gái nhưng không bị áp lực phải sinh con trai. Chồng mình bảo, con gái hay con trai đều được. Giờ đây, việc phải có con trai đã bớt nặng nề rồi, đặc biệt là từ khi có Tổ truyền thông cộng đồng. Các anh chị tuyên truyền rất nhiều nội dung như bình đẳng giới, sinh đẻ có kế hoạch… từ đó mình hiểu hơn, biết cách chia sẻ với các chị em khác, biết bảo ban con cháu đi học đầy đủ, lấy vợ lấy chồng thì phải đủ tuổi", chị Ngô Thị Đào nói.
Nằm ở địa bàn vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, xóm Mỏ Chì có 150 hộ, với hơn 700 khẩu, tất cả đều là người dân tộc Mông. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, còn nhiều quan niệm, tập quán lạc hậu cần được vận động xóa bỏ.
Theo chị Nông Thị Xuân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Mỏ Chì, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, cũng vì tư tưởng "trọng nam khinh nữ" nặng nề mà những năm trước, trong xóm liên tục ghi nhận những trường hợp sinh con thứ ba, thậm chí sinh nhiều hơn vì "phải có con trai". Hai năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ ba có xu hướng giảm. Năm ngoái, trong xóm có 2 trường hợp sinh con thứ ba còn năm nay chưa có trường hợp nào. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra.
Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến giới, tập tục lạc hậu, tháng 5/2023, Tổ truyền thông cộng đồng của xóm Mỏ Chì được thành lập. Mười thành viên của Tổ đều là những người có uy tín trong cộng đồng, đại diện các đoàn thể trong xóm.
Triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", tính đến ngày 31/10/2023, các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã rà soát, xác định nhu cầu và thành lập 159 Tổ truyền thông cộng đồng, với sự tham gia của 1.472 thành viên, nâng tổng số mô hình Tổ truyền thông toàn tỉnh là 195 tổ, với 1.832 thành viên; rà soát và tiến hành hỗ trợ 80 bộ loa kéo di động cho mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng". Ngay sau khi thành lập, Hội LHPN cấp tỉnh, huyện đã tổ chức 116 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới, bạo lực gia đình..., thu hút gần 11.600 lượt hội viên, phụ nữ và người dân tham gia...
"Hằng tháng, chúng tôi tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông đến người dân, có tháng lồng ghép với họp xóm hoặc chia nhóm đến tận nhà hội viên phụ nữ, người dân để tuyên truyền, vận động. Từ những vấn đề đang đặt ra ở địa phương, Tổ chọn những nội dung tuyên truyền phù hợp như phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, phòng, chống tảo hôn, vận động các gia đình cho con em đi học đầy đủ…", ông Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng xóm Mỏ Chì, cho biết.
Theo ông Tài, trước khi có Tổ truyền thông cộng đồng, trong những cuộc họp xóm có tuyên truyền, phổ biến tới người dân những nội dung nêu trên nhưng từ khi Tổ truyền thông đi vào hoạt động, việc tuyên truyền được nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn.
Nhờ đó, nhận thức về bình đẳng giới của người dân trong xóm đã có chuyển biến. "Việc truyền thông không thể ngày một ngày hai là thay đổi ngay được nhưng ít nhất khi mình tuyên truyền, bà con hiểu và đồng lòng, mình cũng có thêm động lực để làm", Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Chì bày tỏ.
Đi "hứng" sóng để truyền thông về bình đẳng giới
Đề cập đến những khó khăn của Tổ truyền thông cộng đồng hiện nay, ông Hoàng Văn Tài cho biết, xóm Mỏ Chì là địa bàn vùng cao, người dân sống không tập trung. Hình thức sinh hoạt của Tổ hiện mới dừng ở truyền thông trực tiếp tại nhà văn hóa xóm hoặc đến từng nhà tuyên truyền miệng.
Đưa ra chiếc điện thoại thông minh đã "ngoài vùng phủ sóng" của mình, chị Nông Thị Xuân cho biết, mặc dù nhiều người dân trong xóm đã có điện thoại thông minh nhưng Tổ truyền thông lại không thể ứng dụng được công nghệ trong hoạt động tuyên truyền vì xóm Mỏ Chì không có sóng điện thoại cũng không có internet.
"Mới đây, chúng tôi có được Hội LHPN tỉnh trang bị một cái loa để phục vụ cho việc truyền thông tại nhà văn hóa. Các thành viên trong Tổ cũng đã nghĩ đến việc đa dạng hình thức sinh hoạt như sân khấu hóa để buổi truyền thông hấp dẫn, hiệu quả hơn. Song, không có sóng điện thoại, không có mạng thì rất khó thực hiện. Nhiều lúc muốn nhận nội dung triển khai từ cấp trên hay cần truy cập mạng để tìm thêm thông tin, chuẩn bị cho buổi truyền thông, chúng tôi phải lên trụ sở ủy ban xã mới có mạng, có sóng điện thoại", Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Mỏ Chì cho biết thêm.
Đi "hứng" sóng điện thoại, internet chỉ là một trong những khó khăn mà Tổ truyền thông cộng đồng xóm Mỏ Chì đang từng ngày phải khắc phục để truyền thông tới người dân.
Theo chị Xuân, tỷ lệ phụ nữ không biết chữ, không biết tiếng phổ thông ở xóm Mỏ Chì còn khá cao. Trong những buổi truyền thông, chị Xuân cùng các thành viên của Tổ thường phải dịch những văn bản, tài liệu tuyên truyền từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông.
"Tuy nhiên, có một số từ không có trong tiếng Mông nên chúng tôi nói tiếng phổ thông, cố gắng làm sao để chị em hiểu được nội dung cốt lõi. Việc tuyên truyền miệng đôi khi mình phải thực hiện nhiều lần. Nói một lần chị em chưa hiểu ngay được, mình phải giải thích thêm lần nữa, chị em mới hiểu được. Tôi rất mong trong thời gian tới, Hội cấp trên sẽ quan tâm, có tài liệu bằng tiếng Mông để chúng tôi có thể tuyên truyền hiệu quả hơn, góp phần nâng cao nhận thức của bà con, thúc đẩy bình đẳng giới nơi đây", chị Xuân bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn