Những ngày tháng 8 và tháng 9 này có lẽ thật khó quên với cô giáo Lê Bích Ngọc, giáo viên lớp 1 của một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nửa tháng trước khai giảng, cô Ngọc được phân công chủ nhiệm lớp hơn 30 học sinh mới… qua màn hình laptop. Làm quen với học sinh, giúp các con vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, làm quen với máy tính, nội quy học online và hướng dẫn học sinh một số kiến thức vỡ lòng ban đầu… là điều mà cô Ngọc trải qua trong 2 tuần bận rộn. Do học sinh chưa quen nên lớp chia thành 2 ca, ca tối và ca chiều.
"Liên tục từ 14h đến 21h là 2 ca dạy, giữa các ca tôi chỉ kịp nấu cơm, ăn tối vội vã, lúc nào rảnh thì tranh thủ trả lời thắc mắc của phụ huynh", cô Ngọc chia sẻ. Điều đáng nói là để thu hút những học sinh chưa một ngày học online, nữ giáo viên phải liên tục thay đổi cách giảng dạy với nhiều tiết tấu, biểu cảm, sử dụng các nguồn học liệu tối đa từ video, hình ảnh, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cổ vũ, động viên tinh thần học sinh để các con vui vẻ trải qua hơn 30 phút cho 1 tiết học… là điều vất vả không nhỏ đối với cô.
Qua lời kể của chị Ngọc Ánh, phụ huynh có con học lớp 4, buổi học online đầu tiên sau khai giảng với 2 mẹ con quả rất đáng nhớ. Tất cả là do đường truyền mạng không ổn định, học sinh bị ngắt quãng liên tục, nhiều em chưa tắt micro, không giữ trật tự, bài học liên tục bị gián đoạn… Hệ quả là giáo viên đứng lớp hôm đó đã rất căng thẳng với học sinh vì không giữ được kiên nhẫn. "Tôi chứng kiến buổi học hôm đó và cảm thấy căng thẳng theo, thấy khổ tâm cho cả cô lẫn trò. Dẫu biết các cô gặp không ít áp lực để quen với dạy học trực tuyến, song điều quan trọng: thầy cô vẫn phải là người truyền lửa cho các con để cùng các con vượt qua giai đoạn khó khăn này, thay vì gây thêm những căng thẳng không cần thiết", chị Ánh chia sẻ. Cũng theo nữ phụ huynh này, sau một vài buổi học đầu, hiện tại việc học đã đi vào ổn định, cô giáo cũng quen hơn và không khí lớp học vui vẻ trở lại khi cô giáo và học sinh đã cùng cởi mở chia sẻ với nhau nhiều hơn thay vì những căng thẳng ban đầu.
Đây không phải là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng dạy học trực tuyến nhưng đối với nhiều trường học, giáo viên, áp dụng phương pháp này vào thực tế mới thấy nhiều khó khăn, thách thức. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ, trường đã đưa vào sử dụng hệ sinh thái dạy học trực tuyến trên nền tảng của Microsoft được 2 năm. "Sống chung lâu dài với dịch bệnh, chúng tôi xác định không xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế nữa, thay vào đó là hướng tới sự ổn định. Sau khi ổn định về nền tảng công nghệ, chúng tôi tập trung vào tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ cho giáo viên, chủ động lên kế hoạch dạy học trực tuyến cho cả năm học và cắt giảm nội dung chương trình học nhằm giảm tải cho học sinh", thầy Cường cho hay.
Để việc dạy học online có hiệu quả, thầy Nguyễn Cao Cường cho rằng, yếu tố con người vẫn là tiên quyết, từ sự quyết đoán quyết liệt của ban giám hiệu trong việc thay đổi, tâm huyết đi tìm con đường cho thầy cô và truyền lửa giúp họ dám nghĩ, dám làm, tăng sự sáng tạo, đến việc trực tiếp cùng giáo viên tham gia để xem thầy cô gặp khó khăn ra sao, nhất là trong giai đoạn đầu tiên áp dụng dạy học trực tuyến. "Khó khăn đến đâu, chúng tôi cùng nhau gỡ đến đó. Đơn cử với những thầy cô ít khi sử dụng công nghệ như mỹ thuật, giáo dục thể chất… thì trường hỗ trợ tối đa, giúp thầy cô tiếp cận sát hơn", thầy Cường cho biết. Cùng với sự truyền lửa từ nhà trường, bản thân thầy cô phải tự đổi mới phương pháp dạy học, tìm tòi các phương pháp mới, hiệu quả, tâm huyết với bài giảng để tiết học sinh động, thu hút học sinh.
Để năm học mới trực tuyến diễn ra hiệu quả, thầy Nguyễn Cao Cường đề xuất, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp căn cơ theo hướng điều chỉnh lại khung thời gian năm học, có thể kéo dài tổng thời gian năm học ra và thay vào đó là chia nhỏ thời lượng học trong ngày của học sinh, tránh tình trạng quá tải. Một tiết học nên giảm xuống còn 30 - 35 phút thay vì 45 phút như hiện nay. Cùng với đó, cần điều chỉnh giảm tải chương trình học trong điều kiện trực tuyến.
Theo ghi nhận, hiện một số trường học đã chủ động cắt giảm chương trình học theo hướng tinh gọn hơn cho học sinh, thời lượng tiết học cũng giảm 35 phút/tiết. Nhiều giáo viên cho rằng, việc cắt giảm nội dung là cần thiết, giảm được áp lực cho cả giáo viên và học sinh, giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn tập trung vào việc đổi mới chất lượng bài giảng thay vì cứ phải "ôm" quá nhiều kiến thức như hiện nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn