Chiều 25/6, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị tham vấn hoạt động bảo hiểm vi mô. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến qua các điểm cầu Hà Nội, Philippine, Đức và Nhật Bản; qua đó tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các bộ ngành nhằm đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) liên quan đến tổ chức bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết: Trong thực tế, Bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam được triển khai từ những năm 1990 cùng với tín dụng vi mô nhằm chia sẻ tinh thần tương thân, tương ái của người dân trước những rủi ro không lường trước. Bảo hiểm vi mô ngày càng có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội, là một công cụ quản lý rủi ro, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ nghèo. Việc cung cấp bảo hiểm vi mô cũng chính là nâng cao cơ hội được bảo vệ trước các rủi ro cho người phụ nữ đồng thời cũng nhằm cải thiện vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam.
Tính tới tháng 5/2021, có 108.100 khách hàng bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam. Trong 5 năm qua, số khách hàng nhận quyền lợi là 431 người, với số tiền chi trả bảo hiểm trên 10 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo, từ năm 2016, Hội là tổ chức chính trị - xã hội tiên phong đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô cho hội viên, phụ nữ nghèo nghèo trong phạm vi các khách hàng của Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương - TYM. Sau 6 năm, quỹ bảo hiểm vi mô của Hội đã triển khai thí điểm, kết quả bước đầu được các hội viên đón nhận, hưởng ứng tại 12 tỉnh/thành, trung bình hàng năm đã có trên 100 nghìn phụ nữ nghèo được bảo hiểm vốn vay.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng trống về chính sách, luật pháp liên quan đến bảo hiểm vi mô. Trong dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc Hội trong năm nay, có 1 chương Bảo hiểm vi mô. Trong đó, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam bày tỏ mong muốn các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ thảo luận, tham vấn, tìm giải pháp, để tổ chức Hội tiếp tục triển khai bảo hiểm vi mô cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận và sử dụng dịch vụ bảo hiểm vi thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá: Qua tìm hiểu thực tế ở đia phương và gặp gỡ trực tiếp các chị em phụ nữ, mô hình dịch vụ bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam đã được thực hiện rất tốt, tạo sự chia sẻ rất nhân văn; đặc biệt là góp phần tập hợp được phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, qua đó tạo ra sự phát triển, lan tỏa bền vững hơn. Đồng thời bày tỏ quan điểm cần tiếp tục duy trì mô hình này của Hội phụ nữ đang hoạt động hiệu quả cho đến khi có Luật.
Đặc điểm bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam:
+ Khách hàng: Hội viên, phụ nữ nghèo, thu nhập thấp
+ Chi phí: mức chi phí thấp; mức phí 0,4%/năm/số tiền vốn vay
+Quyền lợi: bảo vệ 100% số tiền vay
+ Điều kiện hưởng bảo hiểm: Khách hàng qua đời. +Thủ tục: thủ tục đơn giản, chi trả quyền lợi nhanh chóng (được chi trả trong vòng 1 tuần)
Tuy nhiên, tính pháp lý của hoạt động bảo hiểm vi mô hiện nay chưa có, nên nhiều ý kiến lo lắng có thể xảy ra các hệ lụy phức tạp. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và nghị định cần tháo được nút thắt là các quy định về "đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô" để làm sao không chỉ Hội LHPN Việt Nam mà các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, Thanh niên, Cựu chiến binh cũng có thể tham gia cung cấp bảo hiểm vi mô.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị nội dung bảo hiểm vi mô được đưa vào trong Luật, theo đó Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định phù hợp để các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có Hội LHPN Việt Nam được triển khai bảo hiểm vi mô cho hội viên phụ nữ.
Hiện nay, nước ta mới chỉ có 174.000 hợp đồng bảo hiểm vi mô, chỉ chiếm 0,18% dân số. Tiềm năng phát triển bảo hiểm vi mô ở nước ta là rất lớn, nhưng thấp hơn nhiều nếu so sánh với Philippine có tới hơn 50 triệu hợp đồng bảo hiểm vi mô, chiếm tới 46% dân số.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn