Ngày 10/3, Báo Thanh niên tổ chức hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" với sự tham dự của đại diện Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không, lãnh đạo TPHCM, các doanh nghiệp hàng không, du lịch, dịch vụ…
Nới chính sách visa để thu hút khách quốc tế
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, hiện chính sách visa du lịch của nước ta còn cứng nhắc, chưa có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới, gây trở ngại cho khách du lịch quốc tế.
Cụ thể, số lượng các quốc gia được miễn thị thực khi du lịch Việt Nam còn ít (24 quốc gia), thời gian được miễn thị thực rất ngắn (15-30 ngày). Các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, nhân sự… So sánh với Thái Lan, quốc gia này miễn thị thực cho 65 quốc gia đồng thời miễn visa du lịch với thời hạn lên đến 45 ngày.
"Rõ ràng, chỉ riêng về chính sách xuất nhập cảnh, Việt Nam đang gặp bất lợi trong cuộc tranh đua thu hút du khách từ châu Âu, châu Mỹ và châu Úc", Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nói.
Sau khi điểm qua những lợi thế của du lịch Việt Nam, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch nhấn mạnh, Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn, được thừa nhận nhưng lại xảy ra câu chuyện khách du lịch quốc tế lại ngại đến Việt Nam.
Để giải đáp một phần cho nghịch lý này, ông Lương cho biết, các yếu tố quyết định điểm đến gồm hình ảnh của điểm đến, điều kiện tiếp cận điểm đến, trong đó có yếu tố visa (miễn thị thực, ngày lưu trú) và đường bay thẳng… Bên cạnh đó, còn có sản phẩm, dịch vụ, môi trường du lịch và trải nghiệm tại điểm đến.
"Hiện nay chúng ta đang có câu chuyện phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch. Hay là quyền lợi của du khách được đảm bảo. Ví dụ, trong mua sắm không bị lừa. Cùng một mặt hàng nhưng đầu chợ một giá, cuối chợ một giá. Tất cả tổng thể lại sẽ đưa đến quyết định lựa chọn điểm đến", ông Lương chia sẻ.
Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch một lần nữa nhấn mạnh, visa là một yếu tố rất quan trọng và là yếu tố đầu tiên để thu hút khách quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang thua xa các nước trong khu vực về số quốc gia được miễn visa, thời gian lưu trú quá ngắn.
TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho hay trước dịch Covid-19, Việt Nam bằng một nửa Thái Lan về thu hút khách du lịch quốc tế. Nhưng sau khi mở cửa trở lại thì chỉ bằng 1/3 và trong năm nay, nếu không cẩn thận thì chỉ còn bằng 1/4. Sự thụt lùi này dẫn đến những khó khăn rất lớn đối với nhiều ngành, trong đó có ngành vận tải hàng không.
Ông Nam khẳng định chính sách visa không phải là nguyên nhân gây ra khó khăn cho hàng không, du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, trong bối cảnh hiện nay, sự cởi mở về visa có thể giúp tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp, ngành hàng không, du lịch. Có thể thúc đẩy được sự tăng trưởng, sự phát triển kinh tế.
"Nếu có sự tháo gỡ về visa song song với tháo gỡ những vấn đề nội tại của ngành du lịch thì chúng ta có thể giải quyết được vấn đề, thoát ra được khỏi khó khăn và phát triển", TS Lương Hoài Nam nói và cho biết cũng đã có các kiến nghị cụ thể về visa. Trong đó, chính sách visa của Việt Nam ngang bằng Thái Lan, thời gian kéo dài 30-45 ngày, miễn visa cho tất cả các quốc gia thành viên EU, miễn visa cho khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng…
Liên kết, chia sẻ với nhau nhiều hơn
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nhấn mạnh, khi du lịch được tạo điều kiện phục hồi sẽ kích thích, kéo theo sự phục hồi của các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó, nếu ngành du lịch TPHCM phục hồi, với vai trò là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước thì cũng sẽ kéo theo sự lưu chuyển hàng hóa, phục hồi du lịch của các tỉnh/thành trong cả nước.
So về sức cạnh tranh, rõ ràng chúng ta cạnh tranh kém hơn so với các nước trong khu vực. Mong muốn của chúng tôi là làm thế nào để Chính phủ điều hành, có những giải pháp nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam, thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam hơn nữa.
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng Cục Du lịch
Theo bà Hoa, ngành du lịch cũng đã phục hồi khá nhanh sau dịch Covid-19, nhất ở ở TPHCM. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn sự khôi phục không đồng đều giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Để giải bài toán này, ngành du lịch rất kỳ vọng vào việc tháo gỡ cơ chế chính sách. Trong đó, có việc rà soát lại tất cả các về vấn đề visa nhằm tối ưu hóa các vấn đề như mở rộng các nước được miễn visa, xem xét tăng thời gian lưu trú.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM một lần nữa khẳng định, visa chỉ là một trong những khâu cần phải tháo gỡ để phát triển du lịch. Theo ông Đức, để phát triển du lịch thì bản thân nội lực phải có những cải tiến, thay đổi. Trong đó, cần có sự liên kết và chia sẻ giữa các khâu trong chuỗi du lịch.
"Bản thân chính sách phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng ngược lại, bản thân những người làm dịch vụ cũng phải có sự liên kết, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Có như vậy thì chúng ta mới khai thác được tối đa nguồn lực, thế mạnh của Việt Nam", Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn