Những bức ảnh này sẽ xuất hiện trong quyển sách "Chân dung người nghệ sĩ: Cuộc trò chuyện với những người phụ nữ tiên phong trong ngành sáng tạo" sắp ra mắt của bà. Bộ ảnh vẽ nên chân dung của mỗi người phụ nữ nói riêng và một bức tranh tổng thể đầy sức mạnh về tác động của phụ nữ nói chung trong ngành công nghiệp sáng tạo.
1. Agnès Varda - Paris, 2018
"Tôi thấy rất tự hào khi được tham gia danh mục Người phụ nữ Hiện đại của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York (Mỹ), song thật lòng mà nói thì tôi muốn ở danh mục thông thường hơn. Tại sao chúng ta phải chơi một trò riêng cho đàn ông và một trò khác cho phụ nữ chứ?".
Bà Agnès Varda là đạo diễn phim người Pháp gốc Bỉ. Những bộ phim của bà tập trung về vấn đề nữ quyền và bình luận xã hội đã trở thành yếu tố quan trọng cho sự phát triển của phong trào phim Làn sóng Mới của Pháp trong khoảng những năm 1950 - 1960 (phong trào này bác bỏ các quy tắc làm phim truyền thống và hướng đến việc thử nghiệm điều mới). Đây là một trong những phong trào có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Agnès Varda đã để lại một số tác phẩm kinh điển như: "Cléo from 5 to 7" (1962) và "Vagabond" (1985). Bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải Sư tử vàng của Liên hoan phim Venice (1985), giải Cành cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes (2015) và là nữ đạo diễn duy nhất từ trước đến nay được trao giải Oscar Danh dự (2017). Bà mất năm 2019, hưởng thọ 91 tuổi.
2. FKA Twigs - London, 2020
"Xuyên suốt lịch sử, đã có nhiều người phụ nữ thể hiện được khả năng khi được trao quyền. Chúng ta chỉ không biết nhiều về họ hay tầm ảnh hưởng của họ lên xã hội của chúng ta".
FKA Twigs tên thật là Tahliah Debrett Barnett, là một ca sĩ và nhạc sĩ người Anh. Album đầu tay của cô, "LP1", được xếp thứ 16 trên bảng xếp hạng Album Anh quốc và đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng âm nhạc Billboard 200. Cô đã trở thành một trong số những người phụ nữ da màu có tầm ảnh hưởng lớn ở Anh.
3. Tracey Emin - New York, 2015
"Công việc của tôi là về chính tôi: Nó là cách tôi suy nghĩ, cách tôi hít thở, cái tôi nhìn thấy và chú ý đến".
Tracey Emin là nữ nghệ sĩ người Anh, được biết đến với các tác phẩm nghệ thuật mang tính tự truyện. Bà sáng tạo trên nhiều phương tiện khác nhau bao gồm hội họa, điêu khắc, phim, ảnh chụp, văn bản và may vá. Bà không ngại đem những chủ đề vốn được cho là nhạy cảm vào các tác phẩm nghệ thuật của mình. Tháng 12/2011, bà được bổ nhiệm làm Giáo sư ngành Hội họa tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London, trở thành 1 trong 2 nữ giáo sư đầu tiên tại Học viện kể từ năm thành lập 1768.
4. Shirin Neshat - New York, 2014
"Những người Iran không có quyền tự do ngôn luận giống như người Mỹ, nên chúng tôi được dạy là phải dùng các hình ảnh ẩn dụ để nói những thứ chúng tôi không được phép nói".
Bà Shirin Neshat là một nghệ sĩ người Iran. Các tác phầm của bà chủ yếu là phim ảnh và nhiếp ảnh, với nội dung phản ánh sự tương phản giữa các quốc gia Hồi giáo và phương Tây, những nét được cho là "nữ tính" hoặc "nam tính", những truyền thống cổ xưa và những thứ hiện đại, đồng thời mong muốn rút gọn khoảng cách giữa những điều này. Bà từng chia sẻ: "Dù tôi không coi mình là một nhà hoạt động nhưng tôi tin rằng các tác phẩm nghệ thuật của tôi - bất kể bản chất của chúng là gì - là một biểu hiện của sự phản kháng, là một tiếng kêu cho nhân loại".
Shirin Neshat từng nhận giải Sư tử Bạc của Liên hoan phim Venice năm 2009 và được gọi là "Nghệ sĩ của thập kỷ" trong tờ Huffington Post. Bà hiện là một nhà phê bình tại khoa Nhiếp ảnh,Trường Nghệ thuật Yale (Mỹ).
5. Debbie Harry - New York, 2021
"Thứ duy nhất không liên quan đến tình dục chính là chính trị. Còn tất cả những thứ khác đều liên quan đến tình dục: Bạn nghe cái gì, đọc cái gì, sống ở đâu, hay sống với ai".
Debbie Harry, tên đầy đủ là Deborah Ann Harry, là nữ ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên người Mỹ. Bên cạnh việc là ca sĩ hát chính cho ban nhạc Blondie, bà còn tham gia đóng nhiều bộ phim thuộc các thể loại như kinh dị, trinh thám và kịch tính. Debbie được coi như một trong những hình mẫu của ngành âm nhạc Mỹ vào những năm 1980.
6. Charlotte Gainsbourg - New York, 2020
"Việc tôi luôn cảm thấy không thỏa mãn có lẽ là thứ cho tôi động lực".
Nữ diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ người Pháp gốc Anh Charlotte Lucy Gainsbourg là con gái của nữ diễn viên người Anh Jane Birkin và ca sĩ, nhạc sĩ người Pháp Serge Gainsbourg. Bà chia sẻ rằng mẹ đã khuyến khích bà đi theo con đường diễn xuất. Bà giành giải thưởng César (một giải thưởng điện ảnh quốc gia của Pháp) cho hạng mục "Nữ diễn viên hứa hẹn nhất" ở tuổi 15.
7. Yoko Ono - New York, 2016
"Mỗi người đều có quan điểm khác nhau về tôi và các tác phẩm của tôi, và đó là ý của họ chứ không phải tôi. Một khi tôi đã truyền đạt nghệ thuật của mình, tôi đã hoàn thành công việc".
Yoko Ono là nghệ sĩ đa phương tiện, ca sĩ, nhạc sĩ và nhà hoạt động vì hòa bình người Nhật Bản. Bà kết hôn với nghệ sĩ John Lennon của ban nhạc The Beatles năm 1969. Album mà bà cùng John hoàn thiện và phát hành 3 tuần trước khi ông mất vào năm 1980, "Double Fantasy", đã giành giải Grammy hạng mục Album của năm. Bà Ono và chồng cũng đã tận dụng tuần trăng mật của họ tại khách sạn Hilton Amsterdam để tổ chức sự kiện "Bed-ins for Peace", sự kiện biểu tình hòa bình nhằm công khai phản đối Chiến tranh Việt Nam.
8. Diane von Fürstenberg - New York, 2017
"Tôi trở thành một nhà thiết kế gần như là rất tình cờ, chủ yếu là vì tôi muốn tự lập. Nhưng điều làm tôi chọn ngành thiết kế là phụ nữ. Đến bây giờ mọi điều vẫn là về phụ nữ".
Bà Diane von Fürstenberg là một nhà thiết kế thời trang người Bỉ. Công ty thời trang của bà, Diane von Furstenberg (DvF), có mặt tại 70 quốc gia. Bà từng kết hôn với Hoàng tử Egon von Fürstenberg, người thuộc một dòng dõi quý tộc ở Bỉ vào năm 1971 nhưng ly hôn vào năm 1983.
Bà là cựu Chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) (2006 - 2019). Năm 2014, bà đứng thứ 68 trong danh sách "Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" của tạp chí Forbes. Bà được vào nhóm 100 Con người biểu tượng năm 2015 của Tạp chí Time, và được ghi danh trong Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc gia của Mỹ (NWHF).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn