Góc nhìn của giới trẻ về “nấu cơm, rửa bát, quét nhà”
11:48 | 27/12/2017;
Trong gia đình hiện đại “việc nhà” có sự phân chia như thế nào? Chồng phải làm gì và vợ phải làm gì? Chia sẻ nội trợ, chăm sóc con ra sao để không bị coi là bất bình đẳng giới?... Hãy cùng nghe chia sẻ của những người trẻ về vấn đề luôn gây tranh cãi này.
Chia sẻ về quan điểm của mình, bạn Dương Lưu Tiến (SV Đại học Thương Mại) cho rằng: “Mình nghĩ, thời xa xưa khi con người phải săn bắt, hái lượm, có thể do cấu trúc cơ thể của nam giới to, khỏe, cơ bắp phát triển hơn nên phù hợp với việc phải ra ngoài để săn bắt, để lo làm những việc lớn như nâng vật nặng, thiên về lực ném… Với cơ thể phụ nữ lại nhỏ hơn, mảnh mai, uyển chuyển hơn nên phù hợp với việc hái lượm, ở nhà may vá, chăm con… Ngày nay, khi phụ nữ đã tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, vào thị trường lao động và có những đóng góp về kinh tế thì sự phân chia việc nhà cần phải thay đổi, không nên nhìn nhận như cũ nữa".Với bạn trẻ Vũ Hương Lan (nhân viên ngân hàng) thì: "Thế hệ các bà, các mẹ mình ngày trước phải làm việc nhà nhiều hơn phụ nữ hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, hiện tại, những phụ nữ không hoàn thành việc nhà vẫn dễ bị lên án, chỉ trích, bị mọi người đánh giá là lười, không hoàn thành trách nhiệm. Thế hệ trẻ hiện đang bị giao thoa giữa 2 luồng tư tưởng, bỏ đi truyền thống hay là được tự thể hiện sở thích cá nhân…".Với Lê Thu Thảo: “Mình nghĩ việc nhà là việc không lương – dựa vào mục đích, tính chất công việc, nó được chia làm 3 nhóm với phần cứng và phần mềm. Nhóm thứ nhất thuộc phần cứng, đó là những công việc chăm sóc nhà cửa (quét nhà, quét sân, sửa chữa phòng thờ, sửa chữa đồ điện, sửa xe…) – nó được coi là công việc chăm sóc gia đình, trang hoàng các kiểu. Nhóm 2 là phần mềm, gồm chăm sóc các thành viên trong gia đình, đầu tư cho giáo dục (chăm sóc người ốm, chăm sóc sức khỏe, tinh thần, chăm lo việc học, dạy con…). Thứ 3 là đối nội, đối ngoại – tức là những công việc kiến tạo, nhằm chăm sóc mối quan hệ xã hội có lợi cho gia đình, ví dụ như thăm thú họ hàng, hàng xóm, đi đám hiếu, hỉ, thăm hỏi… chăm sóc nhà nội, ngoại… Khi làm một khảo sát nhỏ trong gia đình mình, mình nhận thấy hiện mẹ vẫn là người đang phải làm chính rất nhiều các công việc không được trả lương kia”. Bạn Nguyễn Anh Quân (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ trải nghiệm: "Trước em chơi với nhóm bạn đại học, đa số người Hà Nội, nhưng có 1 bạn ở Nghệ An. Khi đi chơi, đến nhà 1 người bạn để ăn, khi ăn xong, thì có cả bạn trai, gái và các bạn đều đi rửa bát, nhưng bạn kia cứ ngồi, sau đó chạy vào phòng, đóng cửa lại, bạn ấy quyết trốn. Hỏi có ra rửa không, bạn ấy quyết trả lời là không, nhất quyết không ra. Hỏi lý do, bạn ấy bảo ở nhà tao không bao giờ phải rửa bát và bố mẹ nói là nếu con trai mà rửa bát thì thật xấu hổ. Bạn ấy coi đó là việc không thể chấp nhận được và sau đó không bao giờ bọn mình rủ bạn ấy đi chơi nữa. Nhìn chung, những ông bố hiện tại vẫn còn duy trì tính gia trưởng, coi mình là trụ cột. Tuy nhiên, phụ nữ phải làm nhiều việc nhà luôn gây bất lợi cho cả 2 giới. Chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi, liệu có nên tiếp tục để phụ nữ phải làm nhiều việc nhà? Và nếu thay đổi, không phải là từ 1 phía đứng lên đấu tranh mà cần phải cả 2 phía. Khi nam giới có được nhận thức rằng đây không phải là việc của phụ nữ, khi làm việc nhà không phải là “giúp vợ”, nó là việc chung, là việc của mọi người trong gia đình và đồng lòng thay đổi thì sự bất bình đẳng sẽ được cải thiện".Cuối cùng, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để việc nhà không còn là việc riêng của phụ nữ, nhà hoạt động xã hội trẻ - bạn Thanh Huyền (Hà Nội) cho rằng: “Giải quyết được vấn đề về bất bình đẳng và kéo nam giới chia sẻ việc nhà với phụ nữ, có 2 chữ to nhất chúng ta cần phải xóa đó là “sĩ diện” và “giúp”. Nếu tẩy, xóa được nó đi, tình trạng này sẽ thay đổi được rất nhiều".