90% phụ nữ bị bạo lực không tìm sự giúp đỡ
Ông Jesús Lavina, Phó Ban Hợp tác Phát triển, Tham tán, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cho biết: Phụ nữ di cư lao động đóng góp tích cực cho sự phát triển của quốc gia, cộng đồng, gia đình và bản thân. Việc di chuyển nguồn lao động tới các địa phương khác như TPHCM tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, tạo điều kiện cho lao động nữ di cư hỗ trợ cho gia đình mình. Bên cạnh đó, di cư lao động cũng giúp nâng cao trình độ chuyên môn, cải thiện các kỹ năng xã hội của các chị em.
Tuy nhiên, phụ nữ di cư gặp nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới như bị bạo lực, phân biệt đối xử, bị chậm trả lương, dễ bị lạm dụng, quấy rối tình dục. Tại Việt Nam có tới 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư -Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết: "Khi phụ nữ bị bạo hành thì phải mạnh dạn tố cáo, vì im lặng là tội ác. Nếu vợ bị chồng đánh thì mình phải ra ngay Hội LHPN địa phương đó nhờ phụ nữ hỗ trợ, làm đơn tố cáo. Muốn chấm dứt nạn bạo hành thì không xử lý hành chính nữa, dù nặng hay nhẹ cũng phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe. Hành vi bạo lực phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bạo lực phải được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật".
Món quà đặc biệt
Đến tham dự và nhận quà tại chương trình truyền thông về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ do Hội LHPN Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa tổ chức tại quận 7 (TPHCM), cô Võ Quỳnh Hoa, hội viên phụ nữ phường Bình Thuận, chia sẻ: Gia đình cô di cư lên TPHCM sinh sống nhiều năm nay. Cả gia đình đang thuê trọ tại quận 7. Vậy nên, cô hiểu rõ về vấn đề bạo lực trong gia đình ở các khu dãy trọ công nhân hiện nay vẫn ngấm ngầm diễn ra. Nhiều chị em là nạn nhân nhưng không mạnh dạn lên tiếng để tự bảo vệ bản thân.
"Gia đình tôi trước giờ ít khi xảy ra đánh nhau, đập phá ảnh hưởng các phòng trọ xung quanh. Chồng mà nóng là mình nhịn, tránh đi chỗ khác ngay. Khi nào cả hai bớt giận thì ngồi lại nói chuyện. Tuy nhiên, tôi cũng thường chứng kiến nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn, chồng đánh vợ. Tôi khuyên cỡ nào cũng bảo chuyện vợ chồng đóng cửa bảo nhau thôi. Nhiều lần tôi đi báo thì người chồng dọa đánh cả tôi. Nhiều lúc mình cũng bức xúc dữ lắm. Khi tham gia chương trình, tôi thấy luật sư chỉ dẫn nhiều cách rất là hay, ứng xử rất thực tế. Đặc biệt, chúng tôi còn được nhận thùng quà lạ lắm, trước giờ chưa có ai tặng giống vậy, đây là những món đồ rất cần thiết và tiện dụng", cô Hoa chia sẻ.
Còn chị Huỳnh Thị Sà Quơl (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, TPHCM) càng bất ngờ hơn khi được đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam và UN Women trực tiếp đến thăm, tặng quà ngay tại phòng trọ. Chị Sà Quơl là người dân tộc Khmer, quê ở tỉnh Sóc Trăng, hiện đang làm công nhân cho một công ty giày da. Chị lên TPHCM làm việc được gần 10 năm nay. Chị Sà Quơl cho biết: "Mùa dịch vừa qua vợ chồng chị đều bị thất nghiệp. Công ty cho nghỉ nhiều tháng liền nên gia đình túng thiếu. Từ đó, vợ chồng cũng có lúc lời qua tiếng lại. Nhìn chung, vợ chồng mà mâu thuẫn đa phần do thiếu tiền. Hôm nay, các anh chị đã đến tặng cho tôi gói quà thiết yếu rất ý nghĩa, tôi nghĩ nữ công nhân nhà trọ như tôi ai cũng rất cần. Gia đình nào có mâu thuẫn thì dùng để phòng những lúc phải đi lánh tạm, trong lúc lu bu ít ai mà chuẩn bị được gì nhiều".
Các gói hàng thiết yếu trị giá hơn 1 triệu đồng/gói và được hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng, nhằm hướng tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ di cư khu vực ASEAN do Liên minh châu Âu tài trợ. Gói hàng gồm nhiều vật dụng như: Khăn mặt, kem đánh răng, băng vệ sinh, khẩu trang N95, thẻ điện thoại, gạo, dầu gội, bột giặt…
Ông Jesús Lavina bày tỏ: "Chúng tôi tin rằng gói hàng thiết yếu sẽ giúp phụ nữ di cư sẵn sàng ứng phó với bạo lực, đảm bảo phẩm giá, sự an toàn cho bản thân và con cái. Ví dụ khi họ buộc phải tìm một nơi tạm lánh để tránh bị bạo lực. Sự hỗ trợ này sẽ góp phần đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về các dịch vụ thiết yếu có sự điều phối dành cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực".
Ngày 21-22/1, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam và UN Women và tặng 3000 gói hàng thiết yếu trị giá hơn 3 tỷ VND và truyền thông về phòng chống bạo lực giới cho 3000 phụ nữ tại Thái Bình, Nghệ An và TPHCM. Đây là những phụ nữ di cư gặp khó khăn trong quá trình đi làm ăn xa do đại dịch Covid-19 và có nhiều nguy cơ đối mặt với các hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng nhằm hướng tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ di cư khu vực ASEAN do Liên minh châu Âu tài trợ, UN Women phối hợp với Hội LHPN Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và TPHCM thực hiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn