Chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến "4 trong 1" giữa Chính phủ với các địa phương, dự kiến diễn ra vào 31/3.
Về tác động của COVID-19 đến kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết, dịch ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh toàn cầu. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0. Với tình hình trong nước, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội.
Vì vậy, Thủ tướng cho biết, cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn. Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch; Thứ 2 là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Thứ 3 là hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; Đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta. "Cho nên, chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách".
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm, từ ngày 1/1 đến 18/3, cả nước có 127.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thấp nghiệp (bằng 90,3% so với quy I/2019). Ước tính đến hết tháng 3/2020, số lao động nộp hồ sơ không có sự biến động lớn so với cùng kỳ năm 2019.
Thủ tướng nhấn mạnh: Biện pháp nào mạnh mẽ hơn, gói hỗ trợ nào để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho nhân dân. An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở nước ta. Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác.
Thủ tướng cho biết, nước ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới, Thủ tướng nhấn mạnh, để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. "Không để tình hình quá xấu rồi mà chúng ta rơi vào thế bị động". Ngay sau khi dịch kết thúc, chúng ta phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn có liên quan đến chúng ta đã phục hồi mà chúng ta không chuẩn bị tâm thế thì chúng ta thất bại.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc tới Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa được ký sáng nay, 27/3. Thủ tướng khẳng định, Chỉ thị này hết sức quan trọng, thực hiện các biện pháp khắt khe nhất, coi như "tiền khẩn cấp" khi có nhận định rằng trong 2 tuần tới, dịch có nguy cơ bùng phát. Chúng ta đang cố gắng giảm hết mức số người nhiễm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và điều đáng mừng là đến nay chưa có trường hợp tử vong, nhiều người bình phục, xuất viện.
Nêu rõ sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "quyết chiến", làm mọi biện pháp có thể để ngăn dịch COVID-19. Trong thời gian tới, trước mắt là trong nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, chúng ta phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1 ở nước ta hiện nay.
Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý II/2020, sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm.
Nếu trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, sẽ có từ 350 đến 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2020, có 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019). Sang đầu tháng 3, đặc biệt từ tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp báo cáo phải cắt giảm quy mô sản xuất.
Đặc biệt là với các ngành thâm dụng lớn lao động, chủ yếu là lao động nữ như doanh nghiệp dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp đã thực hiện giãn ca, không làm thêm giờ. Dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống với hơn 500 ngàn lao động đang làm việc có nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục ngoài công lập với hơn 30 nghìn lao động đang bị ngừng việc...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn