Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) vốn có nguồn gốc sâu xa từ Trung Quốc nhưng khi về nước ta, nó đã được Việt hóa, trở thành Tết “giết sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên.
Theo tục lệ, vào ngày này, mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.
Hoa quả, bánh trái có nguồn gốc tự nhiên (những loại có vị chung là chua, cay, nóng...) chính là những đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có các món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương, khu vực. Vì vậy, năm nào chị Nguyên Hạnh (Thái Bình) cũng làm 2 mâm cỗ tươm tất để cúng tổ tiên bao gồm một mâm mặn và một mâm ngọt bao gồm các loại trái cây theo mùa cùng cơm rượu.
Chị Nguyên Hạnh
Mâm cỗ mặn của chị bao gồm các món:
- Cá hồi áp chảo
- Thịt bò xào hoa thiên lý
- Măng nhồi thịt hấp
- Gà hấp xì dầu
- Gà kho gừng
- Nộm tôm bầu
- Cá chiên
- Rau - dưa gang muối chua
- Vịt om sấu
- Cơm
Mâm cỗ ngọt của chị có các món:
- Hoa quả - bánh giầy - bánh nếp
- Cơm rượu cẩm
Dưới đây là cách làm cụ thể các món, chị em có thể tham khảo:
CÁ HỒI ÁP CHẢO
Cá hồi thái miếng vừa ăn, ướp xíu bột canh, mì chính (tùy ý), hạt tiêu, dầu hào. Cho xíu dầu vào chảo chống dính, đun nóng chảo thì cho cá hồi vào chiên vàng 2 mặt. Thái miếng chanh cho vào chảo chiên cho có vị thanh nhẹ dễ ăn. Món này ăn với mắm gừng rất ngon.
GÀ KHO GỪNG
Gà chặt miếng vừa ăn, ướp với gừng, hành và xíu sả băm, bột canh. Đặt nồi lên bếp, cho phần có mỡ gà vào đun cho ra mỡ rồi cho hành băm vào phi thơm. Cho thịt gà vào đun to lửa cho chín săn miếng thịt thì hạ lửa đun liu riu khoảng 30 phút. Nêm nếm thêm mì chính (tùy ý) hoặc bột nêm là được.
MĂNG NHỒI THỊT HẤP
- Măng rửa sạch, luộc chín. Thịt vai xay ướp: muối, mì chính hạt tiêu, đầu hành băm. Nhồi thịt vào ống măng. Đun sôi nồi nước hấp rồi cho măng vào hấp 40 phút.
- Băm hành, tỏi phi thơm với 1/2 thìa dầu ăn rồi cho xì dầu, dầu hào, 3 thìa nước đun sôi, xíu mì chính rồi đổ hỗn hợp lên đĩa măng hấp đun tiếp 5 phút nữa là xong. Khi ăn dùng kéo cắt măng thành miếng vừa ăn.
NỘM TÔM BẦU
Tôm hấp chín bóc vỏ. Bầu bỏ ruột. Cắt lấy phần thân bầu làm đồ đựng, 1 phần nạo vỏ cắt sợi. Xoài xanh gọt vỏ, nạo sợi. Rau thơm cắt nhỏ. Lạc rang đập dập. Pha 1 thìa mắm ngon, 1 thìa nước lọc, mì chính, đường chanh, thành hỗn hợp nước mắm chua ngọt trộn đều vào bát nộm. Nếu ăn được cay thì băm thêm ớt. Rắc lạc rang đập dập lên trên rồi cho vào quả bầu trang trí cho đẹp mắt.
GÀ HẤP XÌ DẦU
Chuẩn bị 1/4 con gà. Gà làm sạch, sát muối rửa sạch. Ướp gà với hành, sả, gừng băm, xíu bột canh, dầu hào, mì chính khoảng 15 phút. Nấm hương ngâm rửa sạch. Bắc nồi hấp lên bếp, cho thịt gà, nấm hương vào đĩa sâu lòng, cho 2 thìa xì dầu vào hấp 25 phút là chín. Cho gà ra đĩa thêm rau mùi trang trí ăn nóng sẽ ngon hơn.
THỊT BÒ XÀO HOA THIÊN LÝ
Chuẩn bị: Thịt bò thái miếng mỏng 200g, hoa thiên lý 100g
Bắc chảo lên bếp phi thơm hành (vì cúng nên chị Hạnh không cho tỏi). Cho thịt bò vào xào chín. Cho muối, mì chính rồi cho hoa thiên lý vào đảo thật nhanh tay trên lửa to. Nêm nếm gia vị vừa miệng là được.
THĂN CÁ CHIÊN
Cá trắm lọc bỏ xương thái miếng 1 cm (200g). Ướp cá với gừng, hành băm, xíu muối, mì chính, nước mắm cho ngấm gia vị khoảng 15 phút. Bắc chảo dầu lên bếp, đun sôi. Rắc bột năng vào cá rồi gắp từng miếng chiên ngập dầu chín vàng 2 mặt miếng cá là hoàn thành.
VỊT OM SẤU
Chuẩn bị: 1/2 con vịt khoảng 1 kg; sấu 5 quả; khoai sọ 2 củ
- Vịt làm sạch, chặt miếng. Ướp thịt vịt với hành, sả, tỏi (khi cúng mình thường không cho tỏi), muối, mì chính, nước mắm, hạt tiêu khoảng 20 phút.
- Cho hành băm vào nồi với 1 thìa dầu phi thơm thì cho thịt vịt vào xào săn. Cho nước xâm xấp nồi vịt rồi cho sấu vào đun nhỏ lửa 15 phút. Khoai sọ gọt vỏ thái miếng rồi cho vào nồi vịt om cùng 15 phút nữa. Khi thấy khoai bở, miếng thịt mềm là được. Nêm thêm gia vị cho vừa miệng. Thái rau ngổ, mùi tàu, gốc hành hoa cho vào. Ăn nóng kèm cơm hoặc bún.
DƯA GANG MUỐI
Dưa gang bỏ ruột rửa sạch. Đun nồi nước sôi, cho giấm, đường, mì chính, muối để nguội. Nếm thử hỗn hợp thấy hơi đậm đà là được.
-Ớt , giềng, tỏi giã nhỏ
- Dùng vại sạch tráng qua nước sôi rồi xếp dưa gang vào vại. Cho ớt giềng tỏi vào cùng. Sau đó đổ hỗn hợp nước muối vào ngập mặt dưa. Dùng nẹp chặt dưa làm sao dưa luôn chìm dưới nước. Đậy kín vại dưa muối. Sau 2-3 ngày là ăn được.
CƠM RƯỢU
Nguyên liệu:
- 1 kg gạo nếp cái hoa vàng (nên chọn loại gạo lật sẽ ngon hơn)
- Men ủ rượu 1,5-2 cái (tuỳ từng loại men)
Cách làm:
- Gạo nếp đãi sạch vỏ và nhặt sạn, trấu rồi ngâm nước khoảng 1 giờ. Sau đó, xả bỏ nước, cho gạo vào nồi cơm điện hoặc nồi gang, nồi đất... nấu chín.
- Sau khi cơm nếp chín, múc cơm ra cái mâm hoặc mẹt, dàn đều cho cơm nhanh nguội dần. Lưu ý, để cơm không dính vào mâm hoặc mẹt, có thể lót lá chuối sạch bên dưới. Khi sờ thấy cơm hơi âm ấm là có thể rắc men được. Nhớ đừng rắc men khi cơm nóng quá hoặc nguội quá sẽ không được.
- Men rượu giã nhuyễn rồi cho vào cái rây, rây loại bỏ hết trấu còn dính vào men hoặc bỏ những cục to. Sau đó rắc đều men lên mâm cơm còn ấm và dùng tay trộn thật đều.
- Dùng một cái nồi đất hoặc vại sành cho lá chuối khô xuống đáy nồi rồi múc cơm đã trộn men vào, đậy tiếp lớp lá chuối lên trên. Sau cùng, đậy vung nồi lại, cho vào thùng xốp hoặc thúng, phủ rơm lên trên
- Sau 2-5 ngày thấy cơm rượu bắt đầu có mùi thơm thì dùng đũa đảo đều. Lúc này cơm đã lên men mềm, thơm.. thì ăn được.
Nếu chưa ăn ngay có thể bỏ cơm rượu vào tủ lạnh. Món ăn dân dã quen thuộc này rất tốt cho sức khoẻ và đặc biệt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
BÁNH GIẦY ĐỖ
Chúc các bạn thành công!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn