Mùa cảm lạnh, mùa cúm, RSV và một loạt các bệnh hô hấp khác đang đến khiến nhu cầu tăng cường miễn dịch cho trẻ tăng cao. Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng trong các bữa chính thì cha mẹ có thể làm ngay các món ăn nhẹ thơm ngon này để nâng cao thể chất cho trẻ, giúp phòng ngừa bệnh tật.
Trẻ đi học, tiếp xúc với bạn bè nên dễ dàng lây các bệnh đường hô hấp như cúm, RSV, tay chân miệng... hơn nếu như không có thể chất đảm bảo, hệ miễn dịch ổn định hay không thực hiện các biện pháp vệ sinh đúng cách. Ngay cả việc trẻ ở nhà với cha mẹ nhiều hơn vào mùa lạnh cũng có thể khiến trẻ bị bệnh.
Thời gian ăn nhẹ là cơ hội hoàn hảo để bổ sung một số chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch giúp con bạn vượt qua mùa lạnh và cúm với hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Từ vitamin C đến vitamin D và thậm chí là cả protein, bao gồm các chất dinh dưỡng quan trọng trong bữa ăn nhẹ của trẻ có thể là một cách đơn giản để giữ cho trẻ cảm thấy tốt nhất.
Sinh tố xanh được làm từ rau bina, xoài, dứa, hạt gai dầu và nước dừa là một sự kết hợp ngon miệng cho trẻ và rất dễ làm chỉ cần một chiếc máy xay sinh tố.
Rau bina và xoài chứa nhiều vitamin C giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ thêm mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, một ouce hạt gai dầu có chauws tới 50 - 70% nhu cầu kẽm hàng ngày của trẻ - bổ sung kẽm đầy đủ giúp rút ngắn thời gian bị cảm.
Hạt bí ngô giòn tan, thơm bùi cũng là một gợi ý món ăn nhẹ tăng cường miễn dịch cho trẻ. Với lượng kẽm cực nhiều trong hạt bí ngô, cha mẹ có thể linh hoạt trong việc chế biến các món ăn sử dụng hạt bí ngô chẳng hạn như hạt bí ngô khô, hạt bí ngô làm bánh hay ăn kèm cùng với sữa chua, kết hợp với các trái cây khác để tăng độ thơm ngon hơn.
Lưu ý, với trẻ sơ sinh, trẻ bị hạ đường huyết, trẻ đang uống thuốc lợi tiểu hay đang bị chẩn đoán huyết áp thấp không nên ăn hạt bí ngô mặc dù chúng rất tốt cho sức khỏe.
Các loại quả mọng như việt quất, dâu tây chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ có tác dụng lớn trong việc nâng cao sức đề kháng. Kết hợp với sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn - củng cố hàng rào miễn dịch trong hệ tiêu hóa là lựa chọn ăn nhẹ được nhiều phụ huynh ưa chuộng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hệ tiêu hóa chứa tới 70% tế bào miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong sức mạnh của hệ miễn dịch tổng thể nên các loại đồ ăn chứa probiotics luôn được ưu tiên khi muốn tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Cam là loại quả giàu vitamin C phổ biến. Bạn có thể cho trẻ uống một cốc nước cam vào bữa phụ để bổ sung vitamin C cho cơ thể, có thể giúp rút ngắn thời gian phục hồi cũng như mức độ nghiêm trọng khi nhiễm cúm.
Điều quan trọng là bạn cần dùng nước cam tự nhiên thay vì nước cam đóng hộp. Ngoài nước cam thì các loại nước ép giàu vitamin C khác như nước ép ổi cũng nên được xem xét để thay đổi.
Lưu ý rằng với các trẻ đang gặp các vấn đề về tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược axit dạ dày thì không nên uống các loại nước giàu axit như nước cam.
Thêm một gợi ý món ăn nhẹ nữa có sử dụng sữa chua. Ngũ cốc mặc dù thường phổ biến hơn trong bữa sáng nhưng nếu muốn đổi món cho trẻ và lạ miệng hơn bạn có thể kết hợp ngũ cốc với sữa chua vào bữa phụ.
Ngũ cốc chứa nhiều chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch như protein, vitamin D và kẽm. Nếu kết hợp cùng với các loại trái cây khác như chuối, xoài hay kiwi thì món nhẹ này có thể tăng cường thêm dinh dưỡng và ngọt hơn, dễ ăn và kích thích vị giác của trẻ hơn.
Món ăn nhẹ thích hợp trong những buổi chiều lạnh và là món yêu thích của nhiều trẻ nhỏ. Quercetin trong quế giúp hỗ trợ miễn dịch ở trẻ mà chỉ cần thêm một lượng nhỏ lên mặt bánh mà không tốn nhiều công sức.
Tuy nhiên, cần chú ý không để trẻ hít phải bột quế vì có thể gây kích ứng cổ họng với các triệu chứng như ho khan, nôn mửa hay khó thở; nhất là với những trẻ đang bị hen suyễn hay các vấn đề về phổi, hô hấp khác.
Nhìn chung thì các món ăn nhẹ là một phần của việc bổ sung dinh dưỡng giúp tăng cường miễn dịch ở trẻ thời điểm nhiều bệnh hô hấp dễ lây nhiễm như hiện tại. Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ vận động thể chất thường xuyên, thực hành đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân nhất là rửa tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh... để phòng ngừa bệnh tật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn