Google có thể sáng tạo nhất thế giới nhưng không có quyền bỏ qua luật pháp
Ông Mark Brnovich - Tổng chưởng lý tiểu bang Arizona (phía tây nam nước Mỹ) đã đệ đơn kiện "gã khổng lồ công nghệ" Google với cáo buộc công ty đa quốc gia này đã theo dõi trái phép vị trí của người dùng hệ điều hành Android mà không có sự đồng ý của họ.
Phía nguyên đơn cho rằng Google chạy nền chức năng theo dõi vị trí người dùng trong một số tính năng nhất định như ứng dụng Thời tiết, trình duyệt Chrome và công cụ tìm kiếm trên web dù không có sự đồng ý từ phía người dùng Android. Theo đó, khi đã tắt tính năng định vị GPS trên điện thoại, họ vẫn bị lộ vị trí cá nhân mỗi khi truy cập các tính năng kể trên. Chỉ khi người dùng biết hoặc tìm hiểu sâu về các cài đặt cao cấp của hệ thống Android và tắt chức năng theo dõi này, Google mới không thể thu thập dữ liệu vị trí của người sử dụng.
Ông Brnovich đang yêu cầu tòa án buộc Google phải trả lại số tiền số tiền mà công ty đã thu lợi từ những dữ liệu vị trí cá nhân bị đánh cắp. Theo luật chống gian lận của Arizona, mỗi lần doanh nghiệp vi phạm, tiểu bang này có thể xử phạt họ với mức 10.000 USD (khoảng 233 triệu VNĐ).
"Tôi muốn Google biết rằng công dân Arizona đang bị lừa đảo ở mức độ cấp nhà nước. Google có thể là công ty sáng tạo nhất thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa họ có quyền ‘bỏ qua’ luật pháp".
Ông Mark Brnovich - Tổng chưởng lý tiểu bang Arizona
Tổng chưởng lý Mitch Brnovich cho biết: "Đôi lúc, những cá nhân hoặc công ty có thế mạnh về tài chính nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn và dường như họ đứng ngoài vòng pháp lý".
Phản ứng trước vụ kiện này, một phát ngôn viên của Google đã lên tiếng: "Dường như phía đệ đơn kiện đã có sự nhầm lẫn về các dịch vụ của công ty chúng tôi. Đội ngũ nhân viên Google luôn nỗ lực hoàn thiện các tính năng bảo mật cho người dùng trong các dịch vụ và kiểm soát chặt chẽ để người dùng có thể theo dõi dữ liệu về vị trí của họ".
Trước đây, "Gã khổng lồ công nghệ" Google đã từng vướng phải các cáo buộc tương tự về "hành vi" theo dõi trái phép vị trí của người dùng Android.
Công ty này đã thực hiện đánh cắp dữ liệu "trá hình" bằng cách đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư như nâng cấp để tự động xóa dữ liệu về vị trí hoặc xử lý nghiêm khắc sự tham gia của bên ứng dụng thứ ba mà không có sự đồng ý từ phía người dùng.
Tuy nhiên, những biện pháp Google đưa ra để khắc phục lỗ hỏng bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư và tránh bị theo dõi bởi các tổ chức xấu vẫn còn khá phức tạp để người dùng có thể nắm bắt. Người dùng không thể biết được Google "sở hữu" bao nhiêu phần trăm dữ liệu cá nhân của họ.
Sau khi Quyền riêng tư ở Liên minh Châu Âu (EU) được thực thi, nó trở thành một trong những vấn đề khiến công ty Google bị kiện nhiều nhất trong hơn một thập kỷ qua. Công ty này đã từng chi hàng tỷ USD để trả các khoảng tiền phạt về vi phạm quyền riêng tư trong thập kỷ trước. Hiện nay, Google và công ty con của nó – Youtube cũng đang đứng trước những vấn đề pháp lý nghiêm trọng vì vi phạm quyền riêng tư khi đánh cắp dữ liệu vị trí cá nhân của người dùng.
Vào năm ngoái, mạng xã hội YouTube đã phải "làm việc" với Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vì vi phạm Luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA). Theo đó, YouTube đã lấy cắp dữ liệu trẻ em khi chúng truy cập vào mạng xã hội video này.
Hiện nay, Google đang bị điều tra và theo dõi bởi 50 luật sư của tiểu bang Arizona và là đối tượng của một cuộc điều tra chống độc quyền rộng hơn do Bộ Tư Pháp tiến hành.
Các nhà chính trị gia và cơ quan quản lý nước Mỹ hiện đang chuẩn bị để tham gia phối hợp với Bộ Tư Pháp, Ủy ban Thương mại Liên bang và các nhà lập pháp ở mỗi tiểu bang để quản lý Big Tech và thực thi luật chống độc quyền, quyền riêng tư và các luật khác . Big Tech là biệt danh sử dụng để chỉ 4 hoặc 5 dịch vụ trực tuyến đa quốc gia của Mỹ hoặc các công ty máy tính và phần mềm thống trị không gian mạng bao gồm Google, Facebook, Amazon, Apple và đôi khi có cả Microsoft. Những luật và quyền trên được xem là một thiếu sót của các nhà lập pháp trong những thập kỷ qua vì không thể theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và quy mô, khả năng của Big Tech trong việc khai thác các lỗ hỏng bảo mật để lạm dụng và thu lợi nhuận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn