Sau hơn 13 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em...
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu tham dự Hội nghị do Hội LHPN tỉnh Phú Thọ tổ chức mới đây đã tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Cụ thể, các ý kiến đề xuất bổ sung giải thích cụm từ "thành viên khác trong gia đình" trong phạm vi điều chỉnh của Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để thống nhất với các Luật khác. Trong đó cần tiếp tục bổ sung, làm rõ đối tượng bạo lực gia đình đối với những người từng sống chung với nhau, từng có quan hệ nuôi dưỡng như "con nuôi"; đặc biệt rà soát đối với mẹ kế bạo hành con riêng của chồng hoặc bố dượng xâm hại, bạo hành con riêng của vợ...
Dự thảo Luật sửa đổi đã quan tâm bổ sung nhiều hành vi bạo lực gia đình mới, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị phân chia các hành vi bạo lực gia đình thành 4 nhóm, sau đó liệt kê các hành vi cụ thể (Ví dụ, nhóm 1: Nhóm hành vi bạo lực về thể chất hay thể xác; nhóm 2: Nhóm hành vi bạo lực về tinh thần; nhóm 3: Nhóm hành vi bạo lực về kinh tế; nhóm 4: Nhóm hành vi bạo lực về tình dục). Đồng thời, đề xuất bổ sung hành vi "kiểm soát hoặc có các hành động ngăn cản việc thực hiện các hoạt động chính đáng thuộc quyền công dân của các thành viên trong gia đình: Quyền đi lại, quyền giao lưu, kết bạn mở rộng các mối quan hệ, quyền được làm các công việc mà pháp luật không cấm…".
Đề xuất bổ sung quy định đặc thù về quyền của nhóm phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ, các ý kiến cho rằng, hiện nay, người bị bạo lực gia đình chủ yếu là người phải ra khỏi nhà, không được thực hiện những quyền cá nhân cơ bản như quyền được học tập, lao động, nuôi con. Vì vậy, cần bổ sung các quy định để đảm bảo người bị bạo lực gia đình được bố trí chỗ ở an toàn và được đảm bảo các quyền nêu trên. Ngoài ra, cần bổ sung nội dung "được quyền yêu cầu người bạo lực ra khỏi chỗ ở".
Về hình thức xử lý người bạo lực gia đình, hiện nay chủ yếu áp dụng xử phạt hành chính bằng tiền thay vì kết án. Chi phí bồi thường vẫn là tiền của gia đình (tiền chung của cả người gây ra bạo lực và người bị bạo lực). Các ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể các hình thức xử phạt cụ thể, phù hợp, đảm bảo rằng khoản xử phạt bằng tiền phải là từ tài sản riêng của người gây ra bạo lực, không phải từ thu nhập của gia đình; bổ sung các hình thức xử phạt khác như bắt người gây ra bạo lực gia đình đi làm công ích (làm cỏ, quét dọn khu phố, làng xóm…).
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị sửa cụm từ "các thành viên gia đình, dòng họ" thành "mọi cá nhân". "Khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực gia đình tiến hành hoà giải để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn…".
Đối với quy định xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, đề nghị bổ sung xử lý vi phạm, tăng mức phạt đối với các hành vi bạo lực gia đình mà nạn nhân là trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật; bổ sung một số chế tài đối với một số hành vi bạo lực gia đình đang xảy ra phổ biến trên thực tế như hành vi bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn