GS Ngô Bảo Châu chia sẻ, ban đầu, anh ấp ủ trở thành kỹ sư tin học. Trên các trang vở của anh tràn lan các hình vẽ hệ thống. Dù học giỏi Toán, dù đi thi đạt giải nhưng ước mơ trở thành kỹ sư cứ đau đáu trong anh.
Anh đã dành 3-4 tháng để thực tập làm tin học, để kiểm tra trình độ kỹ sư của mình đến đâu. Mặc dù, sau thời gian thực tập ấy, anh cũng đã hoàn thành một sản phẩm tin học và được sử dụng đến chục năm sau. Thế nhưng, thời gian 3 tháng gắn bó với tin học, cũng có một chút thành quả nhưng anh lại thấy… chán. Bởi “sản phẩm mình làm ra dù khiến mình tự hào nhưng mình nhận thấy không có tài năng ở lĩnh vực này. Quá trình nghiên cứu, tìm tòi, tôi thấy mình khổ lắm. Trong khi đó, nghiên cứu về Toán lại rất khác. Nó luôn mang lại cảm giác thoải mái. Từ đó, tôi bỏ hẳn giấc mộng làm kỹ sư tin học”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Chia sẻ câu chuyện của mình, GS Ngô Bảo Châu muốn truyền đạt với các học sinh muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học thì phải thực sự đam mê, luôn luôn đổi mới, để có cảm hứng với việc nghiên cứu, đó cũng là động lực cho những người nghiên cứu khoa học sáng tạo.
Tiêu biểu cho sự đam mê nghiên cứu phải kể đến GS Nguyễn Lân Dũng. Dù đã 80 tuổi nhưng không ngày nào ông không làm việc, nghiên cứu, viết sách… GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nếu có đam mê và biết tìm niềm vui trong nghiên cứu khoa học thì không còn thời gian để nghĩ đến những gian khổ trong nghiên cứu.
Đặc biệt, không thể nghiên cứu khoa học một mình mà phải có sự hỗ trợ của một nhóm hoặc một tập thể, đặc biệt với nghiên cứu ứng dụng. Với những người trẻ, việc có thầy hướng dẫn có định hướng tốt sẽ rất thuận lợi cho việc nghiên cứu bởi người trẻ dù có những ý tưởng, sáng tạo nhưng thiếu kinh nghiệm.
Từng có đề tài nghiên cứu khoa học Sử dụng nước sắc lá muồng để ức chế nấm mốc và vi khuẩn trong bảo quản trái cây đạt giải Ba trong cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, Đoàn Quỳnh Chi (cựu học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), đang du học tại một trường THPT ở Mỹ, thắc mắc việc du học sinh có nên ở lại nước ngoài để có cơ hội nghiên cứu khoa học tốt hơn hay quay trở về Việt Nam?
Đây không chỉ là thắc mắc của Quỳnh Chi mà cũng là băn khoăn của rất nhiều thành viên chương trình Nuôi dưỡng nhân tài, những em vừa đạt các huy chương Olympic quốc tế có cơ hội đi du học rất lớn. Theo GS Ngô Bảo Châu, điều kiện học ở Việt Nam còn khó khăn, thế nên các du học sinh nên quay về nước khi thật sự vững vàng với nghề nghiệp của mình. Như thế, các em có thể cống hiến nhiều nhất cho đất nước.
Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Dũng nhắc đi nhắc lại, việc du học sinh “về hay ở” không quan trọng mà quan trọng là đóng góp gì cho đất nước. “Ở nước ngoài như GS Ngô Bảo Châu nhưng vẫn thường xuyên về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của Toán học cũng rất tốt. Dù ở đâu, nếu các bạn thực sự muốn cống hiến cho đất nước thì các bạn sẽ làm được và điều đó rất đáng quý”.
Theo PGS.TS Lê Thị Trọng Tuyên (từng công tác tại Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam), các bạn trẻ cần có lộ trình rõ ràng, cần đi trên dôi chân của chính mình, trên nền tảng vững chắc của đất nước thì sự đóng góp ấy sẽ giúp đất nước phát triển. “Ngoài ra, các bạn đừng bao giờ nghĩ nghiên cứu khoa học là một phương tiện cho mình. Nếu nghĩ thế, người làm khoa học sẽ không làm được gì. Làm khoa học, ngoài tư chất đam mê, sáng tạo thì luôn luôn mong muốn làm những cái chưa có ai làm, nếu người khác làm rồi thì mình sẽ phải làm tốt hơn nữa”, PGS.TS Lê Thị Trọng Tuyên nhấn mạnh.
|