GS.TS Nguyễn Quang Tuấn quay lại nghề Y: Vì sao cần phải thực hành lại từ đầu như bác sĩ mới ra trường?

15:21 | 11/07/2024;
Theo quy định của pháp luật, người chấp hành xong hình phạt tù có thể được đi làm trở lại, trừ một số nghề nghiệp nhất định được quy định trong hình phạt bổ sung về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim Hà Nội, sau khi vừa được ra tù đã xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để được cấp chứng chỉ hành nghề. Phía bệnh viện đã tạo điều kiện để ông được thực hành, theo đúng quy định.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn phải thực hành lại từ đầu như bác sĩ mới ra trường, để được xét cấp chứng chỉ hành nghề. Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn đã bắt đầu thực hành từ 1/7 và theo quy định sẽ phải thực hành trong vòng 12 tháng.

Sau khi xong thời gian thực hành, ông có thể làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề mới. Khi có chứng chỉ hành nghề mới, ông có thể được quay lại hoạt động khám bệnh kê đơn.

được đi làm trở lại sau khi ra tù không?

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TPHCM) - cho hay, người chấp hành xong hình phạt tù có thể được đi làm trở lại, trừ một số nghề nghiệp nhất định được quy định trong hình phạt bổ sung về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định.

(Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội - Điều 41 Bộ luật Hình sự)

Bởi lẽ, theo khoản 2 Điều 6 và Điều 11 Nghị định số 29/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.

Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành...

Có phải thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề sau khi ra tù không trong khi ông Tuấn đã có trình độ chuyên môn?

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Điều 20, Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Điều 3, khoản 5 Điều 33 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì giấy phép hành nghề bị thu hồi khi người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề như sau:

Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện; đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời gian 24 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi thì được cấp lại giấy phép hành nghề mà không phải thực hành lại;

Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời gian từ 24 tháng đến 60 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành việc thực hành trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề;

Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời gian vượt quá 60 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành việc thực hành và phải được kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề.

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng; với danh y sĩ là 09 tháng; với điều dưỡng là 06 tháng...

Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) - cho hay, theo quy định của pháp luật, khi xét xử thì bản án có quy định về việc đình chỉ, tước quyền đối với một công dân nên phải sát hạch lại khi đã mãn hạn.

Luật sư Hòe cũng cho rằng cựu giám đốc bệnh viện đã có bằng chuyên môn cấp giáo sư, tiến sĩ rồi thì việc ông phải thực hành trong vòng 12 tháng chỉ là hình thức theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng có thể trong thời gian thụ án, tâm lý sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp nên khi xin cấp lại thẻ hành nghề vẫn phải sát hạch…

Trước đó, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn liên quan vụ án nâng giá vật tư y tế tại bệnh viện gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, thời gian là giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Tháng 4/2023, Tòa án Hà Nội tuyên ông Tuấn 3 năm tù, tước chứng chỉ hành nghề y nhưng không cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án. Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của ông Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành Y mà là vi phạm trong công tác quản lý.

Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn là chuyên gia đầu ngành tim mạch. Năm 1994, ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành bác sĩ đa khoa, sau đó tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch. Năm 1996, ông Tuấn đi tu nghiệp chương trình 2 năm tại Đại học Toulouse, Pháp học về ngành Tim mạch can thiệp.

Năm 1997, ông tốt nghiệp Trường Đại học Toulouse loại xuất sắc và nhận được lời mời ở lại làm việc nhưng ông đã quyết định quay về Việt Nam. Năm 2005, ông Nguyễn Quang Tuấn bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Năm 2009, ông được phong hàm Phó giáo sư, đến năm 2018 được công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư ngành Y.

Ông Nguyễn Quang Tuấn từng là Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ.

Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, bản thân ông là giáo sư tiến sĩ đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, có công cứu sống nhiều người trong cuộc đời y nghiệp và được nhân dân khen ngợi. Ông cũng từng được trao giải nhất Giải thưởng "Nhân tài đất Việt" trong lĩnh vực y tế cho đề tài "Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)".

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn