Guatemala: Tiếng nói của những phụ nữ bị xâm hại tình dục đã được lắng nghe

14:00 | 18/02/2022;
Cuối tháng 1/2022, những người sống sót sau cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng thập kỷ ở Guatemala đã hoan nghênh một phán quyết của tòa án Guatemala đối với 5 cựu lính tuần tra bán quân sự phạm tội cưỡng hiếp và xâm hại tình dục phụ nữ bản địa trong chiến tranh.
Cuộc chiến đòi công lý

Các thẩm phán Yassmin Barrios và Gelvi Sical đã ra phán quyết rằng, 36 phụ nữ thổ dân Maya Achi đã phải chịu chế độ nô lệ, bị bạo lực tình dục và hãm hiếp trong cuộc xung đột kéo dài 36 năm, từ năm 1960 đến năm 1996. Tòa án đã kết án 5 cựu thành viên nhóm bán quân sự "Đội tuần tra tự vệ dân sự" mỗi người 30 năm tù cho những tội ác diễn ra vào đầu những năm 1980. Đó là Gabriel và Francisco Cuxum Alvarado, Damien Cuxum Alvarado, Bernardo và Benvenuto Ruiz Aquino.

Các nguyên đơn là phụ nữ Maya Achi đến từ các ngôi làng xung quanh thành phố Rabinal thuộc tỉnh Baja Verapaz, cách thủ đô Guatemala khoảng 176km. Họ đã dành nhiều năm để đòi công lý. "Chúng tôi không muốn những gì đã xảy ra với chúng tôi sẽ xảy ra một lần nữa", bà Pedrina Lopez (51 tuổi), một người Maya Achi bản địa và là một trong những nguyên đơn trong vụ án, chia sẻ.

Lopez mới 12 tuổi khi bà bị bắt và xâm hại bởi những người lính tuần tra trong làng đầu những năm 1980. Lopez và những người phụ nữ khác liên quan đến vụ án đã gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm kiếm công lý. Quyết định của tòa án được đưa ra sau 11 năm kể từ khi họ bắt tay điều tra và các luật sư ở Rabinal bắt đầu tìm thấy bằng chứng về bạo lực tình dục thông qua lời kể của phụ nữ địa phương về những gì đã xảy ra. Kể từ năm 2011, các cựu quan chức quân đội và lính bán quân sự đã phải đối mặt với các tội danh chống lại loài người, giúp làm sáng tỏ những sự kiện hiếm khi được nhắc đến.

Guatemala: Tiếng nói của những phụ nữ bị xâm hại tình dục đã được lắng nghe - Ảnh 1.

Phụ nữ cầm hoa hồng ăn mừng trước phán quyết của tòa án Guatemala kết tội các cựu quân nhân phạm tội cưỡng hiếp, xâm hại tình dục trong xung đột

Melissa Gonzalez, một nhà tâm lý học từ Rabinal, người đã làm việc với những phụ nữ liên quan đến vụ án, cho biết: "Dẫu thỏa thuận hòa bình đã hiện hữu nhưng nỗi đau của các nạn nhân không kết thúc. Gần 4 thập kỷ trôi qua, họ vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử. Phiên toà cho phép họ nói rằng công lý đã được thực hiện. Nó mang lại sự nhẹ nhõm cho trái tim của họ, cho tâm trí của họ. Họ có thể nhìn lên thiên đường và nói với người đã khuất rằng công lý đã được thực thi".

Còn Lucia Xiloj, một trong những luật sư liên quan đến vụ án, cho biết quyết định này có nghĩa là tiếng nói của những phụ nữ bị xâm hại trong cuộc xung đột cuối cùng cũng được lắng nghe ở Guatemala: "Đối với phụ nữ, điều quan trọng là phải phơi bày sự thật vì điều đó minh oan cho họ trước xã hội".

Mở cánh cửa cho sự lên tiếng

Guatemala là một đất nước có khoảng 15 triệu dân, nằm ở Trung Mỹ, giáp với Mexico về phía Bắc và phía Tây. Guatemala là quốc gia có tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ phổ biến nhất thế giới. Có khoảng 10.000 trường hợp hiếp dâm được báo cáo mỗi năm nhưng con số thực còn nhiều hơn vì báo cáo không đầy đủ do sự kỳ thị của xã hội. Theo tổ chức "Bác sĩ không biên giới", những người sống sót sau bạo lực tình dục bị kỳ thị và họ chưa thể tìm được phương pháp điều trị ở Guatemala. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe không được trang bị đầy đủ và không sẵn sàng cung cấp dịch vụ chăm sóc đầy đủ cho phụ nữ. Năm 2007, tổ chức "Bác sĩ không biên giới" đã mở một phòng khám để chăm sóc toàn diện cho những nạn nhân. Tổ chức này cũng đang triển khai các chương trình giáo dục ở Guatemala nhằm mục đích chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục.

Mặt khác, phân biệt đối xử trong hệ thống Tư pháp là một trong những vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt ở Guatemala. Hệ thống Tư pháp phân biệt đối xử chống lại chủng tộc, giai cấp, giới tính và dân tộc. Sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất đối với phụ nữ nghèo, di cư, trẻ tuổi, đồng tính nữ. Sự yếu kém của hệ thống Tư pháp và thiếu các luật liên quan đến bạo lực giới và cơ chế hỗ trợ nạn nhân.

Guatemala: Tiếng nói của những phụ nữ bị xâm hại tình dục đã được lắng nghe - Ảnh 2.

Những phụ nữ theo đuổi cuộc chiến đòi công lý

Quân đội của Guatemala có một lịch sử vi phạm nhân quyền đáng kể. Trong những năm 1980, khoảng 200.000 người đã bị sát hại và hàng nghìn phụ nữ bị hãm hiếp. Nhiều người trong số họ không được đi học và sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Trẻ em gái trong cộng đồng bản địa không đi học vì khoảng cách từ nhà đến trường quá xa. Bạo lực đối với phụ nữ ở Guatemala đã lên đến mức nghiêm trọng trong suốt cuộc nội chiến (1960-1996). Trong xung đột vũ trang, cưỡng hiếp được sử dụng làm vũ khí chiến tranh.

Tháng 2/2016, Phiên tòa Sepur Zarco kết tội hai cựu binh sĩ Francisco Reyes Giron và Heriberto Valdez phạm tội ác chống lại loài người. Bắt đầu từ năm 1982, một trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc nội chiến Guatemala, ít nhất 11 phụ nữ bản địa đã bị bắt cóc, bị hãm hiếp trong 6 năm tại một trại quân đội trong rừng. Cứ 3 ngày một lần, phụ nữ ở làng Sepur Zarco bị đưa tới căn cứ quân sự đóng tại đây và bị cưỡng hiếp, xâm hại tình dục, họ bị buộc phải nấu ăn và phục vụ tắm rửa cho các binh sĩ. Hai người bị kết án tổng cộng 360 năm tù vì tội ác chống lại loài người, bao gồm nô lệ tình dục và giết người. Họ bị kết án theo Luật Hòa giải Quốc gia được ký kết như một phần của thỏa thuận hòa bình năm 1996, tức thỏa thuận đã giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài 36 năm giữa lực lượng du kích Marxist và chính phủ. 

Những phụ nữ này đã nhận được đền bù 1 triệu USD cho những thiệt hại. Tại Guatemala, đây là lần đầu tiên bạo lực tình dục trong xung đột được giải quyết tại tòa án. Vụ án đã mở ra cánh cửa cho nhiều nạn nhân bạo lực tình dục lên tiếng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn