Công tác cứu hộ mỗi lúc một cấp bách hơn do lượng lương thực tiếp tế cho những người bị nạn đã cạn, trong khi mực nước trong hang đang dâng thêm, đe dọa tính mạng của các thợ mỏ. Những người cứu hộ đã đào 3 đường rãnh thông vào mỏ để gửi lương thực, thuốc men, giấy và bút chì tiếp tế cho các thợ mỏ mắc kẹt nhưng quá trình giải cứu họ vẫn rất chậm.
Trước đó, một vụ nổ đã xảy ra tại mỏ vàng Hushan thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc ngày 10/1. Mỏ vàng nói trên thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Shandong Wucailong, được cho là công ty con của Zhaojin Mining Industry - doanh nghiệp khai thác vàng lớn thứ tư của Trung Quốc. Vụ nổ đã khiến 22 thợ mỏ mắc kẹt dưới lòng đất.
Sau nhiều ngày không còn tín hiệu sự sống, một số thợ mỏ bị mắc kẹt đã gửi giấy kêu cứu buộc vào sợi dây kim loại do những người cứu hộ thả xuống hầm mỏ trong ngày 18/1. Trong thư cầu cứu cho biết, 4 trong số 12 công nhân đã bị thương và tình trạng của những người khác đang xấu đi vì thiếu dưỡng khí và nước tràn vào nên họ rất cần thuốc men. "Chúng tôi hy vọng lực lượng cứu hộ sẽ không dừng lại để chúng tôi có thêm hy vọng. Cảm ơn!", nội dung mảnh giấy viết tay bằng bút chì được Tân Hoa Xã đăng tải.
Sau đó, nhờ một cuộc điện thoại kết nối được với những người thợ mỏ, lực lượng cứu hộ biết rằng có 11 người đang bị kẹt ở cùng một vị trí cách mặt đất khoảng 540m, trong khi một người khác bị kẹt một mình ở vị trí sâu hơn 100m nữa. Trong khi đó, 10 thợ mỏ còn lại hiện vẫn chưa tìm thấy.
Ngày 19/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã gửi các chuyên gia y tế đến hỗ trợ. 5 chuyên gia y tế đến từ các bệnh viện hàng đầu ở Bắc Kinh. NHC cũng đã cử 2 chuyên gia y tế từ Sơn Đông đến để hướng dẫn chuẩn bị viện trợ y tế khẩn cấp.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Quản lý An toàn Mỏ Quốc gia Trung Quốc đã ra lệnh thanh tra toàn diện các mỏ để ngăn chặn các vụ tai nạn lớn xảy ra. Chiến dịch sẽ kéo dài đến cuối tháng 3 với những nỗ lực tập trung vào việc ngăn chặn sự cố xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, bao gồm các vụ sập hầm ở các khu vực có mỏ và các vụ nổ.
Việc tăng cường giám sát đã cải thiện độ an toàn trong ngành khai thác mỏ của Trung Quốc, nơi từng có trung bình 5.000 ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với những rủi ro về an toàn do số lượng lớn các mỏ rải rác, nhiều trong số đó nhỏ và được trang bị kém, theo một quan chức của cơ quan giám sát an toàn cho biết. Hiện cả nước có 32.000 mỏ, 86,4% trong số đó là các mỏ nhỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn