Pharaoh Tutankhamun (1341 - 1323 trước Công nguyên), hay Vua Tut là vị vua Ai Cập cổ đại quyền lực bậc nhất với thời kỳ trị vì từ hơn 3.300 năm trước. Vị vua Ai Cập lên ngôi khi mới 9 tuổi và trị vì đất nước trong 10 năm (1332 - 1323 TCN) trước khi băng hà năm 19 tuổi.
Lăng mộ của ông được phát hiện vào năm 1922, là ngôi mộ duy nhất pharaoh Ai Cập duy nhất cho đến nay được tìm thấy trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Việc phát hiện ra ngôi mộ của Vua Tut được coi là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất mọi thời đại.
Bằng cách sử dụng một mô hình kỹ thuật số của hộp sọ đã được ướp xác, mới đây một nhóm nghiên cứu đến từ Úc, Ý và Brazil đã tái tạo được khuôn mặt của Vua Tut. Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Giải phẫu và Phôi học của Ý .
Chuyên gia đồ họa người Brazil và đồng tác giả Cicero Moraes cho biết: “Ông ấy trông giống như một chàng trai trẻ với khuôn mặt thanh tú. Nhìn vào gương mặt này, chúng ta thấy giống một sinh viên trẻ hơn là một chính trị gia đầy trách nhiệm, điều này càng khiến nhân vật lịch sử trở nên thú vị hơn”.
Theo Moraes, nhóm nghiên cứu không được tiếp cận trực tiếp với hộp sọ của pharaoh nên việc dựng mô hình rất khó khăn. Rất may, nhóm đã có thể lấy được hồ sơ từ các nghiên cứu trước đó bao gồm các tài liệu tham khảo về kích thước hộp sọ cũng như các bức ảnh của Tut, người trị vì từ năm 1332 đến 1323 trước Công nguyên.
Nhà thiết kế đồ họa tiết lộ rằng mọi thứ từ “kích thước của môi, vị trí của nhãn cầu, chiều cao của tai và mặt trước của mũi” đều được tạo ra từ các lần chụp cắt lớp vi tính (CT) trước đó.
Lăng tẩm của Vua Tut được nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter phát hiện vào năm 1922, nằm sâu bên dưới Thung lũng các vị vua của Ai Cập. Ngôi mộ đã trở thành chủ đề gây tò mò suốt 100 năm qua với rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp.
Michael Habicht, nhà Ai Cập học, khảo cổ học tại Đại học Flinders ở Úc và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết mô hình mới này rất giống với mô hình được thực hiện vào năm 2005.
Habicht cho biết: “Công trình tái tạo của chúng tôi gần giống với công trình do một nhóm người Pháp thực hiện cách đây vài năm. Nó cũng tương ứng với những mô tả cổ xưa về Tutankhamun, đặc biệt là với cái đầu đội hoa sen từ kho báu trong lăng mộ của ông.
Vua Tut không phải là vị vua Ai Cập đầu tiên được tái tạo bằng kỹ thuật số. Vào năm 2018, các nhà khoa học từ Đại học Bristol đã tiết lộ một bản kỹ thuật số khuôn mặt của Nữ hoàng Nefertiti. Nữ hoàng bí ẩn cũng được đồn đại là đã được chôn cất gần Vua Tut, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được giả thuyết đó.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn