Ngày mẹ còn sống, bà Phụng sống cùng mẹ và gia đình anh cả trong hai căn buồng với tổng diện tích 50 mét vuông. Hai đứa con anh cả càng lớn thì không gian sống càng trở nên chật chội. Đã không ít lần bà Phụng nghe chị dâu tính toán: "Khi bà nội trăm tuổi, căn phòng của bà để cho thằng Văn cưới vợ"... Bà Phụng ấm ức hỏi lại: "Thế chị để em ở đâu?", chị dâu lạnh tanh: "Cô phải đi lấy chồng chứ ở nhà này mãi đâu!".
Khi mẹ mất chưa được một năm, chị dâu tự động chuyển giường của em chồng ra nhà ngoài lấy chỗ cho con. Bà Phụng tức chảy nước mắt nhưng nghĩ vì các cháu nên đành nín nhịn. Hai đứa cháu ngày còn nhỏ bám cô hơn bám mẹ vì cô hay dẫn đi chơi, cô hay mua đồ ăn, đồ chơi cho nhưng càng lớn chúng càng xa cách, thậm chí còn khó chịu với cô vì cô hay dạy bảo.
Mỗi khi nghe chị dâu cạnh khóe, bà Phụng buồn lắm, luôn thầm ước, có ai đó rước mình đi cho xong chuyện. Lời tỏ tình của ông Thước vuốt ve lòng tự ái, tính sĩ diện của bà. Mặc dù ông Thước góa vợ, có bốn đứa con và đã là ông ngoại, ông nội nhưng ở tuổi 55, ông Thước rất phong độ, cao to, đẹp trai và có không ít cô gái mê ông. Bốn đứa con ông Thước rất biết điều. Ngay từ khi ông đưa bà về giới thiệu, chúng đã gọi bà là mẹ, đã chuẩn bị quà tặng bà. Ngày cưới của hai ông bà chính các con của ông Thước lo tất, từ việc sửa sang nhà cửa, bày biện, mua sắm đồ nội thất đến việc lo cỗ cưới, đi đưa thiếp. Hình ảnh những đứa cháu ruột được bà chăm bẵm, yêu thương từ những ngày lọt lòng trở nên xa cách với bà khi chúng thấy bà chiếm mất một chút không gian vốn không phải của chúng khiến bà đau lòng đến ám ảnh. Bà không tin tình cảm của con, cháu ông. Trong mắt bà, đám con chồng, không máu mủ, không tình thâm đối tốt với bà chỉ là giả tạo. Bà xem việc chúng làm là trách nhiệm, là tình cảm của chúng đối với bố chúng chứ chẳng phải yêu thương gì bà.
Bà tự dựng một bức tường ngăn cách giữa bà và các con chồng, bà coi chúng như khách, đứa nào ốm đau thì bà mang cân đường, hộp sữa đến thăm nhưng không trông nom đứa nào, kể cả con bé út phải mổ đẻ trong lúc chồng nó đi công tác vắng. Đám cháu của ông Thước vô tư gọi bà là bà nội, bà ngoại nhưng bà thờ ơ. Bà chơi với chúng năm, mười phút chứ không trông nom chúng dù mẹ chúng phải gửi chúng cho hàng xóm khi có việc. Vậy mà các con ông Thước vẫn quan tâm đến bà. Chỉ cần bà sụt sịt, ho hắng là chúng đem thuốc đến chăm bà. Bà ngã bị bong gân, mấy đứa con gái, con dâu chia nhau đến ở với bà mấy ngày. Công ty đứa nào tổ chức du lịch, nghỉ mát đều mời bà đi cùng.
Bà Phụng ngắm mình trong gương. Bà nhận ra trên người bà, xung quanh bà toàn những đồ của các con ông Thước mua tặng. Thậm chí, cái cặp tóc xinh xắn trên đầu bà cũng là của đứa cháu gái lấy tiền quà ra mua tặng bà nội chúc mừng năm mới. Bà Phụng chợt thấy trái tim rưng rưng. Ông Thước từng bảo bà, "bọn trẻ không chỉ quan tâm, không chỉ yêu thương em mà chúng còn biết ơn em vì em thay chúng chăm sóc bố chúng, gắn bó với bố chúng suốt đời". Đã đến lúc bà nên hạ bức tường ngăn cách với các con cháu, mở lòng đón nhận yêu thương chân thành của chúng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn