Hà Giang là một địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc có những nét bản sắc riêng biệt, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Những năm qua, tác động của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến sự lai căng, pha tạp văn hóa, khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị biến đổi, mai một. Trước nguy cơ đó, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện bảo tồn các giá trị truyền thống, gắn với quá trình phát triển du lịch. Cụ thể là việc thực hiện Dự án 6 trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Dự án hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Từ những chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Giang đã tăng cường chỉ đạo các ngành tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Kết quả đã sưu tầm, phục dựng, gìn giữ hơn 446 di sản văn hóa phi vật thể.
Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 32 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 8 di sản của dân tộc Bố Y, Lô Lô và Pu Péo, Cờ Lao có số dân dưới 10.000 người được đưa vào danh mục. Di sản Then Tày, Nùng, Thái của Hà Giang và 10 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019. Có thể thấy, trong thời gian qua Hà Giang đã thực hiện tốt việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tôn vinh nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Giang đã trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch ở địa phương, đặc biệt là một số lễ hội truyền thống điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội bàn Vương, Lễ hội Quỹa Hiéng (lễ hội Qua năm), Lễ hội Chợ tình Phong Lưu Khâu vai…
Ông Đặng Văn Thắng, Giám đốc một doanh nghiệp du lịch lữ hành ở Hà Nội, nhận định: “Có thể nói những năm qua tỉnh Hà Giang làm rất tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Nhờ đó đã tạo ra các sản phẩm du lịch bản địa độc đáo. Tôi cho rằng, đây là chiến lược đúng đắn, vừa giúp gìn giữ được giá trị văn hóa bền vững, lại tạo ra sản phẩm du lịch, giúp cho người dân có thêm việc làm và nguồn thu nhập trong thị trường du lịch, góp phần giảm bớt những khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao”.
Quá trình bảo tồn đã góp phần tạo nên các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch đặc thù, như dân ca, dân vũ, phong tục tập quán của các dân tộc được xây dựng thành các sản phẩm du lịch, được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Quang Mười cho biết: "Công cuộc bảo tồn văn hóa phi vật thể ở Hà Giang nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung, được đẩy mạnh và gắn với phát triển du lịch một cách chặt chẽ. Ở các làng bản phát triển du lịch cộng đồng đều có các đội văn nghệ biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ phục vụ nhu cầu của du khách. Nhờ đó người dân ý thức được tầm quan trọng của văn hóa phi vật thể, nên họ trân trọng và gìn giữ. Các giá trị văn hóa không chỉ nhằm thỏa mãn, nâng cao đời sống tinh thần mà còn tạo ra nguồn thu cải thiện cuộc sống. Đây chính là những lợi ích từ văn hóa phi vật thể đem lại cho cộng đồng”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn