Có thể thấy một sự thực là chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tràn ngập các chủ đề về tình dục, từ câu chuyện ngoài quán cà phê, những chương trình truyền hình, trong gia đình, trên mạng xã hội…
Theo các nghiên cứu ở Việt Nam, tỉ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên ngày càng tăng; tuổi quan hệ tình dục (QHTD) lần đầu ngày càng giảm, có những trường hợp sau khi bị phát tán hình ảnh hay clip trên mạng đã gặp sang chấn tâm lý dẫn tới hành vi tự tử.
Dưới đây là cuộc trao giữa phóng viên với ông Trần Thành Nam (Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên - ĐHQGHN) xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những con số nghiên cứu và thực trạng việc quan hệ tình dục của học sinh Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Theo những số liệu nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp, chọn mẫu tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội, thì đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 thì con số là 39%.
Trong số học sinh THPT thừa nhận từng có quan hệ tình dục thì có đến 29.5% các em nam cho biết không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất; và chỉ có 8% các em học sinh nữ nói rằng mình có sử dụng ít nhất một hình thức “phòng tránh thai” nào đó (bao gồm nhiều hình thức không khoa học như uống nước chanh; quan hệ đứng và vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ bằng chanh).
Đáng nói, khoảng 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên và khoảng 15% các em có sử dụng các chất kích thích (gồm cả rượu và các dạng ma túy) trong lần quan hệ gần nhất (cụ thể là trong các hoạt động sự kiện chung của lớp, của trường).
Những số liệu điều tra khác cho biết có khoảng 20% học sinh THPT đã từng trải nghiệm bị quấy rối tình dục học đường nhưng 80% trong số đó xác định rằng đó chỉ là hành vi tán tỉnh hoặc chọc ghẹo. Cũng có khoảng 25% học sinh báo cáo mình đã từng bị bắt nạt, quấy rối qua email, điện thoại, gửi ảnh chế sexy, liên tục nhắn tin hẹn hò, dọa dẫm sẽ phá hủy mối quan hệ với người yêu…
Với những cặp yêu nhau ở lứa tuổi này, 1/3 các bạn nữ báo cáo rằng các em đã từng bị người yêu gây áp lực gửi ảnh khỏa thân; bán khỏa thân hay chụp cận cảnh các bộ phận nhạy cảm như một cách thức chứng minh tình yêu.
Độ tuổi trung bình quan hệ tình dục lần đầu ở Mỹ là 18, ở Việt Nam cũng là 18 theo nghiên cứu quốc gia về vị thành niên và thanh niên năm 2010. Tuy vậy, tỉ lệ nạo phá thai ở Mỹ thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Điều này có thể do các chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục được triển khai tốt hơn. Các em cảm thấy thoải mái hơn khi nói về những vấn đề này, có các kỹ năng phòng tránh thai, các bệnh liên quan đến đường tình dục cũng như các kiến thức cơ bản về mang thai, sinh nở, kỹ năng làm cha mẹ.
PV: Yêu nhưng lại không dám đối diện với sự thật, có trường hợp chọn cách tự tử khi bị phát tán hình ảnh, clip? Vậy đó có thể do những nguyên nhân nào, thưa ông?
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Đó là hệ quả của việc coi giáo dục về tình yêu, tình dục là “vẽ đường cho hươu chạy”, nói chuyện với con về tình yêu và tình dục được xem như một “cấm kỵ” trong nhiều gia đình.
Ở nhiều gia đình, không muốn con dính vào yêu đương, cha mẹ làm cho con sợ hãi bằng những dọa dẫm cường điệu. Ví dụ, bố mẹ nói với con rằng bất cứ ai yêu vào thời điểm này sẽ chẳng thể học hành được, mai sau sẽ thành những đứa vô công rồi nghề, ăn bám; tất cả những cậu chàng nói yêu còn chỉ là vì muốn chiếm lấy cơ thể con thôi; hay nếu không nghe lời tôi mà dính vào yêu đương thì anh/chị tự lo liệu lấy cuộc sống, bố mẹ không nuôi nữa; tí tuổi đầu đã biết gì mà yêu đương…
Hệ quả là các em không dám tiết lộ vì sợ phản ứng tiêu cực của bố mẹ. Sợ nói cho bố mẹ rồi thì bố mẹ sẽ tưởng tượng ra những thứ kinh khủng hơn để tra hỏi. Nhiều em tin rằng bố mẹ sẽ chẳng thể nào bình tĩnh hoặc muốn hiểu những gì mình nói.
Chính giáo dục bằng nỗi sợ, bằng những dọa dẫm cường điệu đã làm cho trẻ tin rằng nếu mình trót mắc lỗi thì không gì có thể cứu vãn được. Các em tin rằng mình đã mất đi tất cả giá trị, mất đi tất cả sự tôn trọng, mình làm cho gia đình, dòng họ xấu hổ.
Và các em nghĩ đến cái chết vì cảm thấy không đáng sợ bằng áp lực khi phải mang những lỗi lầm về tình yêu, tình dục đối diện với cha mẹ, họ hàng hay bạn bè.
PV: Đối với xã hội Việt Nam, trẻ ở độ tuổi nào thì người lớn nên cởi mở và chấp nhận chuyện quan hệ tình dục của các em?
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Tôi cho rằng phụ huynh và người lớn nên cởi mở và chấp nhận chuẩn bị giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục cho con từ khi sinh ra.
Mục tiêu giáo dục đến 3 tuổi là giúp trẻ gọi tên chính xác các bộ phận cơ thể bao gồm cả bộ phận sinh dục. Dạy con về sự riêng tư, không riêng tư cũng như sự khác biệt giữa bé trai và bé gái.
Đến giai đoạn 4-5 tuổi, cần dạy trẻ về chức năng các bộ phận cơ thể bao gồm cả bộ phận sinh dục, giáo dục trẻ về động chạm an toàn và không an toàn, giới và mối quan hệ xã hội.
Trong giai đoạn từ 6-10 tuổi, phải cung cấp các thông tin cơ bản về hệ thống sinh sản, quá trình dậy thì và những thay đổi thể chất, các xu hướng tình dục khác nhau (đồng tính, song tính)…
Từ 11 tuổi trở lên, cần giáo dục trẻ về quan hệ tình dục và tình dục an toàn; tình yêu là gì, trinh tiết và quan hệ trước hôn nhân; cũng cần dạy trẻ kỹ năng lựa chọn các kênh thông tin phù hợp, kiểm tra độ tin cậy của thông tin khi tìm hiểu về tình dục và những vấn đề các em quan tâm.
PV: Gia đình, nhà trường và xã hội nên có thái độ thế nào trước việc yêu đương của các em?
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Gia đình, nhà trường và xã hội trước tiên cần phải thay đổi với những suy nghĩ sai lầm của bản thân về việc giáo dục giới tính, tình dục cho các em. Cần đấu tranh với suy nghĩ nói về vấn đề này là vẽ đường cho hươu chạy, là người lớn có quan điểm thoáng và cho phép vấn đề này. Những suy nghĩ kiểu thế hệ trước có giáo dục chúng ta đâu mà chúng ta vẫn ổn cũng cần phải được thay thế.
Thứ đến, chúng ta cần phải ý thức việc giáo dục về tình bạn – tình yêu – tình dục trước hết thuộc về gia đình và nhà trường với sự chung tay của cộng đồng xã hội. Không cần quá lo lắng về việc chúng ta không phải là chuyên gia. Chính thái độ quan tâm, tin tưởng và định hướng giá trị của gia đình và nhà trường sẽ là những “bộ thắng” cho trẻ mỗi khi dự định đi quá đà.
Cũng cần ý thức rằng, việc giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục ở gia đình và nhà trường hiện nay nếu có cũng chỉ là nói cho có, nói cho qua. Các em cần chúng ta nói cho ra chứ không phải nói cho qua vấn đề.
Xin cảm ơn ông!